8h sáng cuối tuần, Trung tá Nguyễn Thị Như Hòa đến địa chỉ quen thuộc là Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu để thăm bé Thào Thị Dinh (13 tuổi, quê huyện Than Uyên). Như một thói quen, nữ Trung tá công an xoa đầu, nhìn em bé trìu mến rồi động viên "cố gắng học tập con nhé".
Thào Thị Dinh người dân tộc H'Mông hiền lành, thỏ thẻ ngồi nép cùng các bạn xem vô tuyến. Dinh có một tuổi thơ nhiều bất hạnh khi mẹ mất khi em mới tròn 8 tháng tuổi, lên 5 tuổi, tiếp tục nhận nỗi đau mất bố.
Bố mẹ mất sớm, Dinh cùng 2 anh trai lớn lên trong sự cưu mang của người chú ruột Thào A Chơ (trú huyện Than Uyên). Tuy nhiên, do cái nghèo bủa vây, một mình anh Chơ không thể cáng đáng được cùng lúc nhiều đứa trẻ nên làm đơn, gửi Dinh vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để em được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Cuối tháng 7/2022, Dinh xúc động khi là 1 trong 3 cháu nhỏ may mắn được Hội phụ nữ Công an tỉnh Lai Châu nhận nuôi dưỡng, chăm lo việc ăn, học đến năm 18 tuổi. Việc nhận nuôi dưỡng trên nằm trong chương trình Mẹ đỡ đầu của Công an tỉnh.
Hơn 10 năm thiếu hơi ấm của mẹ, Dinh xúc động khi có mẹ đỡ đầu là nữ công an tỉnh. Em cho biết, mọi thứ những ngày qua đang đến với em như "một giấc mơ có thật".
Ở Trung tâm, Thào Thị Dinh được các cô chăm sóc, có sách vở để học, được đến trường và có những người bạn cùng trang lứa đồng hành. Từ ngày có mẹ đỡ đầu, em tự tin hơn, những lần vui đùa với các bạn, thi thoảng em tâm sự rằng "mình có mẹ là công an đấy".
Hàng ngày, ngoài việc học tập, Dinh được các cô chỉ dạy cách tự chăm sóc bản thân, được chơi đùa cùng bạn và làm những công việc phù hợp với lứa tuổi như trồng rau, nhặt cỏ, quét dọn khuôn viên của trung tâm bảo trợ.
Trung tá Nguyễn Thị Như Hòa, Phó trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị (PX03, Công an tỉnh Lai Châu) chia sẻ, chương trình Mẹ đỡ đầu được thực hiện sau khi đại dịch Covid-19 cướp đi nhiều người thân các em nhỏ. Chương trình trên được thực hiện theo chủ trương của Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam hướng đến các đối tượng là em nhỏ có bố mẹ mất do dịch Covid.
Theo chị Hòa, mặc dù Lai Châu không có trường hợp các em nhỏ mồ côi do đại dịch nên Hội phụ nữ Công an tỉnh quyết định triển khai chương trình hướng đến các em nhỏ có điều kiện đặc biệt khó khăn, thiếu hơi ấm của bố mẹ.
"Lai Châu là địa bàn khó khăn của cả nước, nhiều huyện vùng sâu, vùng xa có nhiều em nhỏ thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều em từ bé đã mất bố, mất mẹ nên không có điều kiện học tập, nuôi dưỡng để trưởng thành", Chủ tịch Hội phụ nữ Công an tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Như Hòa chia sẻ.
Ở tuổi 43, Trung tá Nguyễn Thị Như Hòa chia sẻ cảm xúc bồi hồi khi thêm một lần được làm mẹ của các em nhỏ đặc biệt khó khăn. Là một người mẹ, chị cho biết, bản thân rất chia sẻ với hoàn cảnh của Dinh và các bạn nhỏ khi thiếu hơi ấm của cha, mẹ từ khi còn quá nhỏ.
Nhìn những gương mặt hiền lành, đôi mắt ánh lên vẻ hồn nhiên, nữ Trung tá cho biết đó là nguồn động lực để chị và tập thể Hội phụ nữ Công an tỉnh thêm động lực để chăm lo cho các em trưởng thành, từ đó thay đổi cuộc đời chính mình và quê hương Lai Châu.
Chương trình mẹ đỡ đầu của Công an tỉnh hướng đến các em nhỏ mô côi, không nơi nương tựa hoặc có người nuôi dưỡng là hộ nghèo, gia đình khó khăn. Mẹ đỡ đầu là cá nhân cán bộ, hội viên hoặc tổ chức hội các cấp nhận chăm sóc đỡ đầu 1 hoặc nhiều trẻ cho đến năm các con tròn 18 tuổi.
Chị Hòa cho biết, ngoài em Dinh, Hội phụ nữ Công an tỉnh còn nhận đỡ đầu 2 em nữa là Liềng Thị Ngọc Linh (14 tuổi, trú huyện Tam Đường) và Phan Nhật Lê (14 tuổi, ở TP Lai Châu). Dù cuộc sống khó khăn, nhưng kết quả học tập của các em đều đạt loại khá, loại giỏi.
Theo Trung tá Nguyễn Thị Như Hòa cho biết, Hội phụ nữ Công an tỉnh Lai Châu sẽ duy trì kết nối, trao đổi thông tin, quan tâm, hỗ trợ, thăm hỏi, chăm sóc các con. Ngoài ra, hàng tháng các em sẽ được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, trích từ quỹ Mẹ đỡ đầu.
"Mục tiêu của chương trình là giúp đỡ các em tiếp tục thực hiện ước mơ trên con đường học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành những công dân tốt, sống có lý tưởng và có ích cho xã hội. Chương trình nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được đỡ đầu, chăm sóc, không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, Trung tá Hòa chia sẻ.