Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân đã vượt qua sự đòi hỏi quyết liệt về đổi mới công nghệ và dịch vụ của Việt Nam năm 1986, để sau này người ta ghi nhận ông là anh hùng.
Lời toà soạn: Ngày 13 tháng 11 năm 2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ông Vũ Đức Đam được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông Vũ Đức Đam là thư ký, giúp việc cho ông Đặng Văn Thân. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của tác giả Lê Phương Đông, được đăng tải trên Báo Bưu điện Việt Nam số Tết Giáp Ngọ (2014).
Chiều hôm Quốc hội bầu 2 Phó Thủ tướng (PTT) mới, chúng tôi tới thăm PTT Vũ Đức Đam, "rắp tâm" phỏng vấn PTT. Vẫn như mọi khi, PTT vui vẻ nhưng cũng vẫn ... "xin các bạn nói chuyện thôi, đừng phỏng vấn, đừng viết gì về mình" và chuyện trò với chúng tôi thân tình, cởi mở.
"Trong ngày hôm nay, anh nghĩ tới ai nhiều nhất?", PTT cười: Chưa có lúc nào để nghĩ cả. Ngước nhìn lên những tấm ảnh treo trước mặt PTT, trong đó có chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi hỏi tiếp: Thế hồi nhậm chức Bộ trưởng anh nghĩ tới ai nhiều nhất? Gương mặt PTT Vũ Đức Đam thoáng chút xúc động. Im lặng vài giây, giọng PTT trầm hẳn xuống: "Mình nghĩ nhiều tới Bố Mẹ mình, Chú Ba Thân và Chú Sáu Dân. Bố mình và Chú Sáu Dân thì đã mất. Chú Ba Thân thì bị tai biến nặng từ nhiều năm...".
Nhìn ánh mắt của PTT, chúng tôi lặng đi, không ai nói gì.
Một thoáng qua, PTT cười vui trở lại: "Này, thay vì viết về mình, hãy viết về Chú Ba Thân. Không có Chú Ba Thân, Bưu điện nước mình không được như hôm nay và mình cũng không ngồi đây với các bạn"...
…Chúng tôi tới thăm gia đình ông Đặng Văn Thân - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, vào ngày Chủ nhật gần cuối năm Dương lịch 2013. Sau ngày nghỉ hưu, ông lại trở về ngôi nhà thân thuộc của mình trong một con hẻm nhỏ ở quận 10, TP.HCM.
Như nhiều ngày nghỉ khác, cả "đại gia đình Bưu điện" của ông tề tựu đầy đủ (Bà Nguyễn Thị Xuân Hà, vợ ông là cán bộ BĐ nghỉ hưu, trừ người con cả - anh Đặng Bắc Sơn, làm trong ngành xây dựng, người con gái thứ 2 - chị Đặng Thị Nga, hiện là Giám đốc Bưu điện TP.HCM và người con út, - anh Đặng Văn Dũng, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm 6 (VMS 6) của Công ty Thông tin di động (VMS-Mobifone). Vợ anh Dũng đang làm việc ở VMS 2; còn con gái lớn của chị Nga cũng làm việc tại VMS 6.
Sau lần bị xuất huyết não, bây giờ, người anh hùng của ngành Bưu điện, người được cả ngành yêu quý, tin cậy gọi là "anh Ba Thân" không còn nói, nghe, nhận biết được gì nữa, chỉ ngồi yên lặng trên xe lăn. Nhưng gương mặt ông rất thanh thản, như thể biết rõ là mình không còn điều gì phải nuối tiếc, ân hận...
Trong câu chuyện về mối tâm giao giữa chồng mình và người cộng sự trẻ tuổi năm xưa, bà Nguyễn Thị Xuân Hà, vợ Anh hùng Đặng Văn Thân vẫn quen gọi nhắc tới PTT Vũ Đức Đam một cách thân thuộc là "Đam...".
Bà kể, giọng nhỏ nhẹ, thoáng chút buồn: Hồi trước, khi ông nhà tôi đã nghỉ hưu, khi còn khỏe mạnh cũng như khi đã bị đột quỵ, mỗi lần vào công tác, bao giờ Đam cũng ghé mặc dù có dịp vào gấp đến nỗi, Đam chỉ kịp chạy lên nhà mấy phút, ôm "Chú Thân" xoa lưng, xoa vai cho ông ấy rồi lại chạy đi... Có thời kỳ, ông nhà tôi gần như không nhận ra ai, nhưng hình như vẫn nhận ra Đam. Hôm qua, xem ti vi, thấy Đam phát biểu tại một Hội nghị với cương vị là PTT, tôi thương ông Thân quá. Giá như ông ấy còn khỏe mạnh...
PTT Vũ Đức Đam bùi ngùi: "Mỗi lần vào, tôi cảm nhận được là Chú Ba vẫn nhận ra mình. Có lần ngồi tâm sự lại những kỷ niệm cũ với chú, cứ nghĩ mình nói chỉ để mình nghe, không ngờ chú mấp máy môi gọi "Đam" và trào nước mắt... Nói tới đó mắt PTT cũng đỏ, ngấn lệ...
...Ông Thân nhận trách nhiệm Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện vào năm 1986. Đó là thời điểm Việt Nam đứng trước đòi hỏi quyết liệt về đổi mới công nghệ và dịch vụ. Sự đòi hỏi quyết liệt đó đặt người tổng tư lệnh ngành trước sự lựa chọn sống còn là tiếp tục sử dụng công nghệ analog hay đi thẳng vào kỹ thuật số của phương Tây. Hợp tác với các nước tư bản phương Tây, quyết định dùng cáp quang thay cho cáp đồng vào thời điểm đó với hầu hết mọi người là điều không tưởng, viễn vông, thậm chí có không ít ý kiến có tính quy chụp cả về quan điểm.
Muốn có công nghệ mới thì phải có tiền. Nhưng lúc đó, Việt Nam đang bị cấm vận, nghành Bưu điện càng không có tiền. Thế thì chỉ có một cách là hợp tác với các hãng lớn cũng đang nhìn thấy tiềm lực của Việt Nam là một thị trường hấp dẫn. Nhưng ở thời điểm đó, "bắt tay làm ăn với tư bản là việc nhạy cảm nên thuyết phục để thuận trên, thuận dưới, thuận trong, thuận ngoài là việc "khó như đường lên trời" mà Tổng cục trưởng Bưu điện Đặng Văn Thân đã vượt qua để sau này người ta ghi nhận ông là anh hùng.
"Tôi không biết diễn tả thế nào, chỉ biết nói rằng đó là việc VÔ CÙNG KHÓ KHĂN, có khi còn nguy hiểm đến cả sinh mạng chính trị nữa. Cả mẹ tôi cũng biết, đã có lúc có người tới nhà nói với ba tôi: ' Ông có biết mình đang rất mạo hiểm không? Sao ông liều thế?", anh Sơn, con trai lớn của ông Thân chia sẻ.
"Muốn làm được việc lớn thì trước hết người đứng đầu cơ quan phải có tâm, có đức, không nghĩ tới trục lợi cá nhân. Ba tôi là người say sưa, hết lòng với công việc và việc gì ông đã tin là đúng thì làm đến cùng... Không hiểu duyên phận thế nào, ba tôi gặp anh Đam và tin dùng một cán bộ trẻ du học từ phương Tây về đến thế. Nhưng chính những người như anh Đam đã giúp ông thực hiện được ý tưởng đổi mới nghành bưu điện của mình", chị Nga, con gái cả của ông Thân nói thêm.
Lần đầu tiên PTT Vũ Đức Đam gặp Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân là đầu năm 1989, khi mới làm việc ở Công ty XNK Bưu điện sau khi đi du học về.
PTT nhớ lại: Một buổi chiều mình được dẫn lên gặp Tổng Cục trưởng. Hóa ra, ông cho gọi để nhờ hướng dẫn cách sử dụng thiết bị điện tử lưu danh bạ điện thoại. (Những năm 80, các thiết bị điện tử như vậy ở Việt Nam chưa có nên không ai biết cách sử dụng). Mình được dặn dò kỹ là sẽ gặp lãnh đạo cao nhất của ngành, lại là thành viên Ban Lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Thật khó tưởng tượng là trong lần gặp đầu tiên ấy, mình đã gọi Chú Thân là "Ngài". Chú ấy cười rất hiền, đưa cái máy, bảo ngồi đó xem sử dụng như thế nào và nói: Gọi là Chú, Chú Thân thôi cháu ạ. Rồi nói thêm, người ngoài Bắc hay gọi người lớn là Bác còn người miền Nam hay gọi là Chú. Mình lặng lẽ ngồi xuống, chúi đầu vào cái máy nhỏ. Với mình quả thực không khó nên chỉ mươi phút sau đã ngẩng lên, thấy ông Tổng Cục trưởng đang ngồi xổm... nhặt rau muống bèn ấp úng "Dễ dùng lắm... ạ". Chú ấy cười rất vui: "Vậy à. Thế mà Chú cứ hỏi mãi" rồi bảo: "Chú nấu cả phần cơm cháu rồi, ở lại ăn rồi chỉ cho chú. Hai chú cháu cùng nhặt rau cho nhanh...".
Từ đó, Chú Ba rất hay gọi mình, có khi là chỉ để hỏi về một vấn đề cụ thể trong một dự án, về một đối tác nước ngoài, có khi chỉ để nghe nói về một ý tưởng... Mình chẳng để ý rằng việc một nhân viên mới được Tổng Cục trưởng tin và trực tiếp trao đổi công việc là rất "không bình thường". Sau này, qua nhiều sự việc, có khi cũng rất thăng trầm mình hiểu rằng, Chú Ba đã dành cho mình niềm tin yêu đặc biệt. Chính tình cảm, sự tin cậy đặc biệt của Chú Ba, chính tấm gương bình dị, hết lòng vì công việc của Chú đã khiến mình gắn bó, làm việc với công việc bằng tất cả nhiệt huyết. Mình là người vô cùng may mắn, sau này Chú Sáu Dân đối với mình cũng thế.
Ba năm sau, Chú cho điều mình từ Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ Hợp tác Quốc tế về Tổng Cục làm thư ký riêng nhưng lại vẫn yêu cầu làm công việc cũ là tham gia đàm phán các hợp đồng, dự án với đối tác nước ngoài. Một năm sau, mình được kết nạp Đảng rồi được điều quay về Vụ cũ làm Vụ phó. Sau này, anh Nguyễn Đình Cát (là em trai nhà văn Nguyễn Đình Thi) kể tối hôm mình được kết nạp vào Đảng, Chú Ba đạp xe hơn 10km từ Nguyễn Du về khu tập thể văn công Mai Dịch để khoe: "Hôm nay đã kết nạp Đảng cho "thằng nhỏ" rồi. Anh Cát còn nói Chú Thân làm vậy (điều mình về Tổng cục) là để đưa Đam vào Đảng. (Kể tới đây, PTT không cầm được nước mắt...).
Có lẽ, thành công của người anh hùng ngành Bưu điện Đặng Văn Thân không chỉ ở chỗ nhìn đúng, lựa chọn chính xác công nghệ mà còn là cái TÂM và cái TÀI nhìn người, tin người và dùng người....
...Rời nhà nguyên Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân, nhớ lại lúc PTT kể chuyện, văng vẳng lời của bà Hà, người bạn đời 50 năm của ông "Cuộc gặp gỡ và gắn bó giữa ông Thân nhà tôi và Đam là cơ duyên trời cho...", nước mắt tôi cứ trào ra. Cảm phục và thương Chú Ba Thân - tôi cũng xin gọi ông như thế.
Ông Đặng Văn Thân sinh năm 1932 ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1950, ông gia nhập quân đội, làm báo vụ tại một đơn vị thông tin ở Quân khu 9. Sau hiệp định Genève (tháng 7-1954), ông tập kết ra Bắc, sau đó chuyển ngành về công tác ở trạm Bưu điện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; sau đó ông công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Bưu điện. Ngày 28/4/1975, ông cùng đoàn cán bộ ngành Bưu điện vào tiếp quản toàn bộ hệ thống BCVT của chính quyền Sài Gòn.
Năm 1986, ông được điều ra Hà Nội, làm Quyền Cục trưởng, rồi Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Ông được bầu làm ĐBQH khóa VII, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng khóa VI. Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 1997, ông nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 9/8/2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2012, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập.
Ngày 24/5/2023, ông Đặng Văn Thân từ trần tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi.
Ông Đặng Văn Thân, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện – người đã làm cuộc cách mạng chuyển từ Analog sang Digital để tạo sự phát triển đột phá cho ngành Bưu điện đã tạ thế vào lúc 21h37 phút ngày 24/5.