Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi, "Chuyện của những dòng sông”, để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng. Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. Xin trân trọng giới thiệu bài viết, Sê Pôn kể chuyện, của tác giả, Lê Phương Dung.
Bắt nguồn từ Sa Muộn và Mường Noòng, tỉnh Savannakhet của Lào, sông Sê Pôn đã ngược dòng lên huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị của Việt Nam trước khi quay trở về Lào ở thị trấn Lao Bảo.
Trong suốt chiều dài lịch sử lãng du qua lãnh thổ Việt Nam, Sê Pôn đã âm thầm nuôi dưỡng và bồi đắp tình cảm giữa hai dân tộc Việt - Lào, để hôm nay, trong dòng chảy bất tận của mình, từng con sóng vẫn xôn xao hát về một mối tình “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Uống chung dòng nước
“Lạch xạch..lạch xạch…”, chiếc đò ngang gắn động cơ thủ công cũ kỹ lừ lừ rẽ nước. Hai bên mạn, bọt tung trắng xóa. Khách đi đò chỉ có một. Ông Bun-Thẳn-Xẻng-Sụ-Păn Thanh, Trưởng bản Ổi, huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet đang qua sông Sê Pôn sang bản Xi-Ra-Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa để họp giao ban kết nghĩa bản - bản định kỳ hàng quý.
Quý trước, hội nghị đã tổ chức ở Lào, thế nên quý này sẽ tổ chức ở Việt Nam. Mặc dù hai bản thực hiện kết nghĩa, nhưng việc đi lại của ông Thanh hay bất cứ người dân nào ở 2 bên biên giới cũng đều phải chấp hành quy chế kiểm soát và quản lý ở các trạm kiểm soát biên phòng.
Sau khi làm thủ tục kiểm soát hành chính xong, ông Thanh hăm hở đi dọc theo con đường bê tông cấp phối quen thuộc về hướng Ủy ban xã Xy, trong đầu thầm nhẩm lại các nội dung cần trao đổi để tháo gỡ trong cuộc họp.
Ông Thanh nói tiếng Việt rất sõi, bởi ông vốn có gốc gác là người Pa Kô, Vân Kiều. Họ hàng, thân tộc của ông đều sống ở bản Xi-Ra-Man. Sau khi Việt Nam và Lào hoàn thành công tác cắm mốc biên giới, gia đình ông sống bên bản Ổi, mang quốc tịch Lào, còn anh em bên này vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp anh em họ hàng mang hai quốc tịch giống như gia đình ông Thanh ở vùng biên này nhiều lắm. Khi có đường biên giới, bà con thành người của hai nước, thế nên cái tình thân ấy cũng phải đặt sau tình đất nước. Mỗi khi giỗ chạp, cưới xin… người bên bến đó, người bến này lại tay xách nách mang đồ lễ xuống bến sông gọi đò.
Nhận thấy bà con dù sinh sống hai bên biên giới nhưng cùng uống chung nước dòng Sê Pôn, cùng đồng điệu về văn hóa, phong tục tập quán, bộ đội biên phòng Quảng Trị đã đề xuất mô hình: "Xây dựng và nhân rộng kết nghĩa dân cư, phát triển bền vững tại các bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị, Việt Nam với hai tỉnh Salavan và Savannakhet, Lào" (gọi tắt là mô hình kết nghĩa bản – bản).
Theo đó, các cặp bản kết nghĩa hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi hàng hóa, qua lại khám chữa bệnh, thăm thân; đồng thời cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, mốc giới.
Bên lở, bên bồi
Từ khi kết nghĩa bản - bản, mỗi tuần một lần, Đại úy Nguyễn Văn Thành, quân y đồn biên phòng Lao Bảo lại ì ạch đẩy chiếc xe máy cá nhân qua dốc cát trắng xóa ở bến sông để lên đò sang trạm xá cụm bản Ka-Túp Mạ-hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào hỗ trợ khám chữa bệnh cho bà con nước bạn.
Ngồi trên đò, phóng tầm mắt về rừng keo xanh cao quá đầu người phía Việt Nam rồi lại nhìn ra bãi cát phù sa mênh mông bên phía bạn, Đại úy Thành nhớ tới những ngày bộ đội biên phòng cùng bà con dọc tuyến biên giới phải đi xin cây giống về trồng để ngăn sạt lở.
Sông Sê Pôn vốn hiền hòa là vậy mà hàng năm lũ về đều dâng cao, chảy xiết, hờn dỗi cuốn phăng mọi thứ ở bờ bên này, nhưng có lẽ giống như nhân dân Việt Nam, vì thương người anh em Lào mà gạn từng lớp phù sa trong dòng chảy bồi đắp cho bờ bên đó màu mỡ, phì nhiêu.
Mới sáng sớm, bà con đã ngồi kín hai dãy ghế chờ ở hành lang trạm xá, đa phần là người già và trẻ nhỏ. Nghe thấy tiếng xe của Đại úy Thành, chị Vì-Lay-Phon Chăn-Thả-Von, Phó trạm trưởng trạm xá vui mừng thấy rõ. Có anh hỗ trợ, việc khám chữa bệnh sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trạm xá này cũng là do đồn biên phòng Lao Bảo phối hợp với các tổ chức thiện nguyện quyên góp để xây dựng tặng cho nước bạn.
Từ mô hình kết nghĩa bản - bản, nhân dân hai bên biên giới đã có nhiều hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như: Trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập.
Nhiều năm trước, vấn đề người dân khu vực biên giới Việt Nam thiếu đất để mở rộng canh tác cây chuối, trong khi đó nhiều diện tích đất đai của người dân nước bạn Lào lại bỏ hoang hóa hoặc sản xuất không hiệu quả, nay đã được giải quyết.
Thông qua sự kết nối giữa những già làng uy tín, dưới sự quản lý của chính quyền địa phương 2 nước, nhiều người dân các xã biên giới Việt Nam đã sang hợp tác với người dân nước bạn Lào để thuê đất trồng chuối.
Dần dà, diện tích chuối được mở rộng, người dân từng bước đưa cây trồng này trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.
Ngược lại, bà con bên Lào cũng sang Việt Nam để mượn nương trồng sắn. Cây sắn của bạn mọc khắp các triền đồi, nương rẫy, là nguyên liệu nhập về xuôi cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn. Đời sống kinh tế của các cặp bản – bản thay da đổi thịt từng ngày.
Rồi cũng từ việc kết nghĩa mà nhân dân hai bên bờ Sê Pôn luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, sẻ chia lương thực, thực phẩm những ngày mùa giáp hạt.
Trong hội nghị giao ban bản – bản, ông Hồ Văn Tôn, già làng uy tín ở thôn Xi-Ra-Man, xã Xy đã vui vẻ nói: “Bên kia cũng có già làng, bên đây cũng có già làng thì hàng tháng, hàng quý giao ban với nhau, phải đoàn kết, thắt chặt với nhau để giải quyết được hết mọi việc.
Bên kia thiếu đất trồng sắn thì bên đây cho mà bên đây muốn xin vạt chuối thì bên kia cũng sẵn sàng cho. Chúng ta là anh em kết nghĩa, không sợ thiệt!”
Cùng nhau bảo vệ biên cương
Với vai trò là đường biên giới tự nhiên giữa hai đất nước, trong xu thế mở cửa hội nhập quốc tế, Sê Pôn còn chứng kiến những đợt sóng ngầm về tội phạm ma túy và buôn lậu xuyên biên giới.
Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo ở vùng biên này chính là điểm đầu cầu của Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, là con đường ngắn và thuận lợi nhất để mở rộng giao thương hàng hoá, du lịch, dịch vụ với Lào, Thái Lan, Myanma và các nước trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Lợi dụng vị trí hiểm yếu này, các đối tượng trong và ngoài biên giới móc nối với nhau tạo thành đường dây đưa ma túy và hàng lậu vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ và trung chuyển.
Đặc biệt, tuyến biên giới dọc sông Sê Pôn bị các đối tượng khai thác triệt để với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi. Thậm chí, chúng còn mua chuộc một bộ phận cư dân biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, vận chuyển thuê hoặc tàng trữ ma túy, hàng lậu lẫn trong hàng hóa và phương tiện nhập cảnh.
Đây vốn là vấn đề nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong những năm gần đây, đồn biên phòng Lao Bảo vẫn giữ vững được tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, nhờ phối hợp tốt với các bản kết nghĩa để nắm tình hình ngoại biên, đồng thời cùng các đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy của hải quan trong nội địa tổ chức tốt các phương án tác chiến và đánh bắt tội phạm.
Tiếp nhận, yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, nhân dân ở các cặp bản đối diện cùng tích cực tham gia phong trào tố giác tội phạm, cung cấp tin báo tội phạm cho lực lượng chuyên trách của mỗi bên để góp phần bảo vệ an ninh trật tự và bình yên thôn bản.
Ông Khăm-Phong Xay-Thị-Bút, Phó huyện trưởng huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet đã khẳng định: “Thông qua mô hình kết nghĩa bản - bản, nhân dân hai bên biên giới tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, cũng như phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của hai bên giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc”.
Qua bao đời, dòng Sê Pôn vẫn hiền hòa chảy trôi, bồi đắp tình hữu nghị thủy chung giữa hai đất nước Việt Nam - Lào, thấm đẫm trầm tích văn hóa của cộng đồng dân tộc Pa Kô, Vân Kiều và các bộ tộc Lào. Câu chuyện của Sê Pôn chính là câu chuyện về tình cảm không biên giới của những người anh em chung dãy Trường Sơn.
Nói về những khát vọng trong tương lai ở dải đất biên cương này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Chúng tôi mong muốn Chính phủ của hai bên sẽ mở thêm các cửa khẩu phụ, nâng cấp từ những cửa khẩu phụ đã thành công thành các cửa khẩu chính, rồi nâng cấp các cửa khẩu chính đang có nhu cầu phát triển thương mại biên giới thành cửa khẩu quốc gia.
Mục đích là để khai thác tốt tất cả các tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, cũng như nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại buôn bán giữa Việt Nam - Lào, thông tuyến lên đến Thái Lan và đặc biệt là ở điểm hành lang kinh tế Đông Tây. Nếu có sự quan tâm đầu tư như vậy thì sẽ thúc đẩy được phát triển kinh tế xã hội và thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.