Các phiên họp HĐND TP với những người đại biểu dân cử, dù ở Thủ đô hay ở các tỉnh thành, người dân vẫn mong tiếng nói, nguyện vọng của mình được phản ánh tại đó.

Những phiên họp HĐND TP Hà Nội cũng bàn những vấn đề kinh tế-xã hội, những chủ trương đầu tư dự án hay chất vấn những vấn đề bức xúc như từng thấy qua các phiên họp Quốc hội.

Tuy ở tầm thành phố nhưng Hà Nội lại có vị trí đặc biệt quan trọng, vì là Thủ đô nên những vấn đề của Hà Nội cũng là những vấn đề của cả nước, thậm chí là bộ mặt cả nước.

Có người nói bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần biết Hà Nội là biết cả nước, vì thế vẫn có câu nói “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Mỗi lần mưa lớn, đường Hà Nội lại bị ngập. Ảnh: Hoàng Hà


Như thường lệ, các đại biểu dân cử lại thảo luận những vấn đề cấp bách, cần giải quyết của thành phố và chất vấn những vấn đề “nóng” trong đời sống dân sinh.

Được biết, trong cuộc chất vấn lần này, những vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn bao gồm: Giải ngân đầu tư công chậm; thực hiện việc thúc đẩy các dự án đầu tư trên địa bàn; công tác quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn; các dự án về xử lý rác thải, nước thải…

Thật ra, Hà Nội còn nhiều vấn đề “nóng” lắm. Nóng đến độ tác động hàng ngày lên người dân. Nóng đến độ nhiều tiếng kêu mãi thành quen tai, thành nguội đối với cơ quan chức năng nhưng với dân thì chưa bao giờ hết bức xúc.

Người dân bao nhiêu năm vẫn khổ vì cảnh ngập lụt. Có nơi mới mưa đã ngập sâu, ngập vào tận nhà và cả tuần sau nước mới rút hết.

Và nữa, ngày thường đã tắc đường đã khổ, giờ người ra đường lại sợ ngày mưa, mưa to, mưa nhỏ đều ngập và ngập diện rộng.

Có người nói sao Hà Nội giải ngân đầu tư công lại chậm thế, đến hết ngày 16-6 mới chỉ giải ngân được 18%. Ngược lại, lại có những tuyến đường cho đến nay đã triển khai hàng chục năm, thậm chí “treo” đến 30 năm mà vẫn không làm, không có vốn.

Cụ thể là đường vành đai 2,5 triển khai dở dang hàng chục năm vẫn không xong. Hay có những chiếc cầu bắc qua sông đoạn cuối Định Công trơ sắt hoen rỉ thật thương tâm.

Còn đoạn đường từ Lê Trọng Tấn - Vành đai 3, giải quyết ách tắc, chia lửa cho đường Giải phóng và Nguyễn Trãi đi vào thành phố chỉ 2km, quy hoạch hơn 30 năm, dự kiến làm trước đại dịch Covid-19 theo hình thức BT (nhà đầu từ bỏ tiền xây dựng sau đó nhà nước trả quỹ đất) bị dừng lại, nay vẫn cứ “án binh bất động”.

Người dân chật vật dắt xe chết máy vì ngập nước. Ảnh: Đỉnh Hiếu

Sao tiền đầu từ công thì dư thừa mà công trình cần thì không có? Có thể chuyển những dự án từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư công được không? Nhà nước vừa qua đã chuyển một loạt dự án từ các hình thức khác sang đầu tư công, điển hình là nhiều đoạn cao tốc Bắc- Nam. Hai dự án trên để quá lâu, dân thì dài cổ chờ nhưng nhà chức trách phải chăng đã quên?

Tình trạng nhà cao tầng cứ “vô tư” mọc lên ở trung tâm. Chủ trương chuyển các trường đại học, các cơ quan, bệnh viện ra khỏi nội đô, một chủ trường đúng, giảm ùn tắc, thế mà hàng chục năm qua triển khai chậm trễ.

Được biết, trong cuộc trả lời chđ vấn ngày 7/7 về các công trình chậm trễ, trong đó có nêu về dự án khu triển lãm Giảng Võ, rất may ông Phó Chủ tịch UBND TP đã thông tin: Không xây dựng 10 toà nhà 50 tầng ở đây nữa, khiến dân thở phào.

Buổi chất vấn cũng “nóng” về chuyện thành phố mưa là ngập, trong khi thời điểm này chưa phải là cao điểm mùa mưa, vậy mà chỉ cần một trận mưa to nhiều tuyến phố đã ngập, đặc biệt là khu vực mới phía Tây.

Có đại biểu đặt vấn đề có phải do trạm bơm nghìn tỷ chậm tiến độ? Thật ra, việc chậm tiến độ cũng chỉ là một nguyên nhân chứ không phải là tất cả. Ai ở Hà Nội không lạ gì cảnh ngập này khi mà hệ thống cũ kỹ, hồ ao biến thành khu chung cư. Nơi mới như khu vực phía Tây cũng không khá gì hơn. Như vậy, rõ ràng là nước không kịp thoát do thiết kế hệ thống không đảm bảo, cũng giống như đường tắc do đường nhỏ hẹp, còn mật độ dân cư lại quá đông.

Còn nữa, sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận về tình trạng vi phạm về quy hoạch trên trục đường Lê Văn Lương, có người còn biện luận rằng, không phải đường ấy tắc là do làm thêm nhà hay nâng cao tầng. Có thể, cơ quan thanh tra mới chỉ làm một tuyến đó, chứ nếu thanh tra các tuyến phố khác, biết đâu cũng chẳng kém cạnh gì. Vì thế mà chỗ nào cũng tắc vì mật độ dân cư quá dày mà hệ thống giao thông thì nhỏ hẹp…

Có người cho rằng do “tư duy nhiệm kỳ”, họ chỉ làm vài năm thì “hạ cánh”, chủ yếu là “vì mình” chứ không vì mọi người. Nhưng có lẽ thời thế bây giờ khác trước. Vừa qua dư luận lật lại những sai phạm quy hoạch đó là từ thời các ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Đức Chung làm chủ tịch. Dư luận cũng lên tiếng cần phải chuyển hồ sơ những sai phạm ấy sang cơ quan điều tra. Thiết nghĩ cũng là điều hợp lý vì nhiều những sai phạm trước kia đều được đưa ra, nhiều vị lãnh đạo sai phạm đều bị “vào lò”.

Hà Nội còn nhiều việc cấp bách phải làm. Mong cho Hà Nội có quy hoạch tổng thể thật khoa học, thật xứng tầm, thật đẹp và mỗi nhiệm kỳ những vị đứng đầu cần có đề án cụ thể để làm việc gì ra việc đó và làm cho dứt điểm.

Hà Nội là đầu tàu, Hà Nội cần làm gương. Hà Nội bây giờ không thể như câu nói: “Hà Nội không vội được đâu”, mà phải là Hà Nội kỷ cương, Hà Nội tiên phong.

 Hãy làm cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp và cần bắt đầu từ những bản quy hoạch vì sự phát triển của Thủ đô. Vậy nên, rất cần những con người yêu Hà Nội, hết mình vì Hà Nội và cần hơn một tinh thần trách nhiệm “Hà Nội không vội không xong”.

Đề xuất biến sông 'chết' Tô Lịch thành hầm chống ngập và công viên văn hóaSông Tô Lịch được đề xuất xây dựng thành công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh cùng các thiết chế văn hoá. Bên dưới là hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp với cao tốc ngầm dọc sông.
Đường hầm ô tô thoát nước: Hà Nội, TP.HCM hết cảnh phố thành sôngNhóm tác giả từ châu Âu và Mỹ đề xuất đào đường hầm cho ô tô chạy, đồng thời nửa dưới đường hầm vẫn thoát nước khi mưa nhỏ, khi mưa to thì cấm xe, cho nước thoát qua.