Điện than khó vay vốn
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Dự án này được Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu từ năm 2010, điều chỉnh lần 2 vào giữa năm 2018.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của dự án gặp rất nhiều khó khăn khiến dự án khó khả thi, bởi nhiệt điện than hiện nay không còn là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư của các tổ chức tín dụng.
Vì thế, UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, thống nhất cho Dự án nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW và cập nhật dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Theo đại diện nhà đầu tư, dự án đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB và san lấp mặt bằng cho khu vực nhà máy chính, đã tiến hành đầu tư 80% hạ tầng cho khu vực cảng nhà máy.
Bên cạnh đó, nhiều thủ tục quan trọng với dự án điện than trước đó cũng đã được thực hiện như địa phương đồng ý cho thuê đất; báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiết kế cơ sở đã được các bộ chuyên ngành thẩm định; đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN cho phần điện than trước đây...
Dự kiến, nếu được chuyển đổi, Nhà máy nhiệt điện Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2-1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sẽ nâng lên 1.500MW. Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Chủ đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Công Thanh cho hay, LNG đang là xu hướng của thế giới, do đó, việc thu xếp vốn để chuyển đổi nhà máy than sang LNG đã hoàn tất khi đã ký quỹ với tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn BP (cung cấp khí cho dự án), Tập đoàn GE cung cấp thiết bị và Quỹ đầu tư Actis thu xếp tài chính.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa dự án đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG.
Điện khí được ưu tiên, giảm điện than
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phê duyệt hồi tháng 5/2023, xác định: Đến năm 2030 cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW chiếm 14,9%.
Quy hoạch điện này cũng đã có lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, đưa mục tiêu phát triển trong vòng 20 năm (từ 2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Không chỉ Công Thanh, hiện nay, nhiều địa phương và chủ đầu tư các dự án cũng đang rục rịch xin chuyển đổi các dự án điện than sang điện khí, như tại Đự án Quảng Trạch 2 của EVN.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng việc chuyển dự án từ điện than sang điện khí LNG là xu thế hợp lý. Riêng với dự án này, ông Lâm nhấn mạnh sự hợp lý còn ở chỗ địa điểm gần với miền Bắc - nơi đang thiếu điện và việc truyền tải sẽ dễ dàng hơn.
"Thông thường những nhà máy điện than, điện khí nằm ở miền Nam, miền Trung, nhưng tiêu thụ điện cao lại ở miền Bắc nên phát sinh vấn đề “phải chuyển điện ra Bắc” – tức là phải đầu tư truyền tải, đây là vấn đề áp lực nhất hiện nay", ông Lâm nói.
Một báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đánh giá, lợi thế của các nhà máy điện khí LNG là tính sẵn sàng cao, không phụ thuộc vào thời tiết, công suất lớn với dãi điều chỉnh rộng, thời gian đáp ứng nhanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ô nhiễm so với các nhà máy điện chạy than và dầu.
“Việc đưa LNG vào sử dụng còn phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 và xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải”, PVN nhấn mạnh.
Tại cuộc họp với 10 tỉnh có dự án điện khí vào tháng 6/2023, Bộ trưởng Công Thương đánh giá tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, vì vậy nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn cấp điện. Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định hồ sơ dự án theo quy định ngay sau khi nhận đầy đủ hồ sơ do chủ đầu tư trình. |