Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí metan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Phát triển hạ tầng sạc điện
Về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh giai đoạn 2022 - 2030, Chính phủ nêu rõ, với đường bộ, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện.
Đồng thời mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Với đường sắt, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại.
Cùng với đó, đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.
Với đường thủy nội địa, Chính phủ khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh. Áp dụng thí điểm tại một số cảng thủy nội địa; nghiên cứu, đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh.
Còn với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% -50%; TP.HM đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25% - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10% - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn của ngành giao thông vận tải
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định số phê duyệt Đề án Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông qua việc chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện các nghiệp vụ của tất cả các đơn vị thuộc Bộ GTVT; hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn của ngành giao thông vận tải, kết nối và chia sẻ giữa các lĩnh vực giao thông vận tải, giữa trung ương và địa phương.
Đồng thời, áp dụng rộng rãi mô hình thông tin xây dựng (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình giao thông; ứng dụng phổ biến công nghệ và vật liệu tiên tiến trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án triển khai một số giải pháp chủ yếu về: Thể chế, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác và bảo trì. Trong đó, bổ sung quy định về bảo trì công nghệ thông tin, đặc biệt hệ thống giao thông thông minh (ITS) và thu phí điện tử không dừng (ETC); xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM.
Đồng thời, nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý khai thác và bảo trì theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo các hư hỏng công trình…
TP.HCM thông tin một số vụ cháy chung cư xuất phát từ các trạm sạc xe điện
Công an Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ TP.HCM cho biết, đã có một số vụ cháy ở TP.HCM và Hà Nội xuất phát từ nguyên nhân mất an toàn ở các trạm sạc xe máy và xe đạp điện.
Thí điểm 3 tuyến xe điện phục vụ khách du lịch ở Cần Giờ
Xe điện thí điểm chở khách đến các khách sạn, khu du lịch ở huyện Cần Giờ theo hình thức hợp đồng, du lịch.