Các chuyên gia góp mặt tại tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện Ngày Internet 2020 (Internet Day 2020). Ảnh: Mạnh Hưng |
Nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày Internet 2020 (Internet Day 2020), buổi tọa đàm với chủ đề “Hiện thực hóa khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam" với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đến từ cơ quan quản lý, hiệp hội và các doanh nghiệp lớn trong ngành đã cùng đưa ra những nhận định và bàn thảo những vấn đề triển khai trong thực tiễn để có thể sớm hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số cho đất nước.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: Cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều là các thành phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Nhưng nếu bóc tách từ khái niệm thì chuyển đổi số trước tiên là việc của người đứng đầu. “Chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng về chuyển đổi số. Như vậy, ở tầm quốc gia chúng ta đã vào cuộc”. Dù vậy, ông Đường cũng cho rằng "Chuyển đổi số là tổng thể và toàn diện, vì vậy đây là việc của tất mọi người, của cả các bộ, ngành, các tỉnh...”.
Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho rằng, chính quyền số phải tạo ra giá trị cho công dân số. Đồng thời, chính phủ số phải có sự tham gia điều hành của công dân số. “Hoạt động của chính quyền số cần có sự tham gia điều hành của người dân thông qua các phương tiện số. Nếu chúng ta chỉ cung cấp một chiều thì chưa thể đầy đủ”, ông Thắng nói.
Đồng hành để chuyển đổi số thành công
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Hưng |
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam lại cho rằng cái gốc của câu chuyện chuyển đổi số đó là phục vụ cho người dùng, cho công dân sống trong một xã hội thuận tiện nhất, ít chi phí nhất. Câu chuyện chuyển đổi số có giải quyết được bài toán kiếm sống cho người dân hay không. Nó phải xuất phát từ nhu cầu đó thì doanh nghiệp mới cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ nhất và có nhiều khách hàng. “Nhân dân đi đầu tiên – doanh nghiệp đi thứ 2 và Chính phủ phải có vai trò dẫn dắt”, ông Thanh bày tỏ.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Tin học hóa, việc lan tỏa chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian qua rất sâu rộng. Ông Đường cũng đặt kỳ vọng, nếu tiếp tục giữ lửa trong 10 năm tới thì thành công sẽ đến. “Nếu tất cả chúng ta đồng hành thì chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công”.
Doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hưng |
Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Thắng, chuyển đổi số bắt đầu từ nhu cầu của xã hội và tạo ra sức ép cho doanh nghiệp cho chính phủ và doanh nghiệp sẽ tạo ra nền tảng để đáp ứng nhu cầu đó. “Doanh nghiệp phải chủ động, chứ không chờ có nhu cầu mới làm nền tảng, giải pháp”.
Theo đó, doanh nghiệp phải đi tiên phong, nhà nước tháo gỡ khó khăn bằng các chính sách bởi công nghệ diễn ra rất nhanh. “Chúng ta cứ chờ chính sách pháp lý, hỗ trợ thì sẽ rất chậm. Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thì không bao giờ chính sách pháp lý theo kịp, nên cần cơ chế sandbox”, ông Thắng chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Anh Tú, CTO Tập đoàn FPT cho rằng chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Nhưng để chuyển đổi số thành công, ông Vũ Anh Tú cho rằng doanh nghiệp phải thực sự đặt đó là vấn đề tối quan trọng nhất là từ người lãnh đạo. "Nguồn lực chỉ là 1 phần, thấu hiểu quá trình chuyển đổi số và thực hiện nó như thế nào quan trọng hơn”, ông Tú nói.
Các chuyên gia góp mặt đều cho rằng, chuyển đổi số là lĩnh vực rất mới và các doanh nghiệp lớn phải có vai trò dẫn dắt thị trường. Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng ban CNTT Tập đoàn Viettel cho rằng, chuyển đổi số là câu chuyện lớn, các doanh nghiệp lớn nên tập trung vào làm nền tảng thôi để các doanh nghiệp nhỏ sáng tạo, dựa vào các dịch vụ mà doanh nghiệp lớn cung cấp.
Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn tại thị trường Việt Nam hiện nay đều đang nắm vai trò dẫn dắt và đồng hành trong chuyển đổi số.
Lãnh đạo VNPT IT Hà Thái Bảo chia sẻ, với mục tiêu đồng hành cùng các bộ, ngành địa phương trong việc chuyển đổi số, các cơ quan tổ chức trong việc truyền thông về nhận thức số, VNPT đã tập trung đầu tư phát triển các công nghệ mới để phát triển các nền tảng, giải pháp khác nhau. Theo đó, thời gian qua VNPT chỉ phát triển những hệ thống lõi để các doanh nghiệp công nghệ khác hoặc các doanh nghiệp chuyên ngành trong lĩnh vực y tế giáo dục cùng tham gia để có thể đẩy nhanh chuyển đổi số.
Đồng thời, cung cấp các nền tảng, dịch vụ phần mềm dễ dàng tiếp cận, đẩy nhanh thời gian giúp các bộ, ngành và doanh nghiệp nhanh chóng đưa các giải pháp trong công tác quản lý điều hành chỉ đạo.
Duy Vũ
Dữ liệu cá nhân ở Việt Nam chưa được tôn trọng và bảo mật
Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, tại Việt Nam hiện nay các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân không được tôn trọng và bảo mật.