yen bai.jpg
Phụ nữ bản Khao Mang, xã Khao Mang cùng nhau chia sẻ ứng dụng công nghệ thông tin.

Sử dụng ứng dụng đặt phòng Agoda, tra cứu cụm từ "Mù Cang Chải” cho kết quả là 26 cơ sở lưu trú trên địa bàn bàn huyện Mù Cang Chải hay tra cứu cụm từ "Mật ong Mù Cang Chải” trên sàn thương mại điện tử Shopee có 7 gian hàng trực tuyến bán sản phẩm này.

Còn có rất nhiều người dân là đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã và đang sử dụng các ứng dụng số để giới thiệu, quảng bá, bày bán các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương.

Anh Hờ A Song - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Hồ Bốn - đơn vị có sản phẩm gạo Séng cù Hồ Bốn đạt OCOP 3 sao chia sẻ: "Kênh bán hàng chủ yếu của tôi là Facebook.

Tôi đăng tải các câu chuyện, hình ảnh, video về quá trình canh tác cho tới thu hoạch, xát gạo theo cách truyền thống và cả chứng nhận OCOP 3 sao của sản phẩm lên Facebook để thu hút khách hàng.

Dần dần, tôi có thêm nhiều người bạn, nhiều khách hàng. Tôi có những khách quen ở tận trong miền Nam, mỗi lần mua cứ vài chục cân gạo, ăn hết chị lại đặt. Trung bình mỗi năm, tôi bán được khoảng trên 3 tấn gạo.

Dù chưa nhiều nhưng quan trọng hơn là sản phẩm đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng ở cả nước biết tới”. 

Những điều này đã cho thấy, sự hiện diện rất thiết thực những thành quả mà chuyển đổi số (CĐS) mang lại ở một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn.

Trước thực trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ, trình độ công nghệ thấp thì đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. 

Bà Lương Thị Xuyến -  Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết về CĐS, HĐND huyện Mù Cang Chải đã ban hành Nghị quyết số 62 về thông qua Đề án CĐS trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện ban hành 52 văn bản chỉ đạo liên quan đến CĐS.

Đồng thời, huyện đã linh hoạt lồng ghép các nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân tiếp cận với CĐS; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai dịch vụ hợp đồng điện tử, hỗ trợ kinh phí mua phần mềm kế toán, làm chữ ký số…; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh hoàn thiện hồ sơ triển khai truy xuất nguồn gốc.

Riêng năm 2024, huyện đã hỗ trợ triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cho 1 trạm y tế xã với kinh phí là 109,7 triệu đồng; hỗ trợ phần mềm quản lý thư viện và quản lý thiết bị trường học cho 37 trường học với kinh phí 1,1 tỷ đồng; bàn giao và lắp đặt 59 máy tính bàn, 8 laptop cho 12 cơ quan hành chính cấp huyện và 7 xã; hỗ trợ kinh phí lắp đặt Wifi và camera 360o cho 23 nhà văn hóa; đưa vào sử dụng trạm phát sóng di động tại bản Háng Tày, xã Chế Tạo, đáp ứng nhu cầu liên lạc, truy cập Internet, sóng 4G cho trên 1.000 nhân  khẩu ở 3 bản Háng Tày, Kể Cả, Pú Vá, xã Chế Tạo…

Huyện cũng đã tổ chức các hội nghị tập huấn với nhiều nội dung về CĐS nhằm cung cấp các thông tin hữu ích cho đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn. 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, tỷ lệ phủ sóng 3G, 4G trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt trên 96%; 22% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang; 34/98 nhà văn hóa có Wifi; 12 cơ quan chuyên môn của huyện đạt "Cơ quan CĐS” và 6 xã, thị trấn đạt "Xã, thị trấn CĐS”… Toàn huyện đã có 32/37 chỉ tiêu, chỉ tiêu thành phần trong Kế hoạch 80 của UBND tỉnh về CĐS năm 2024 đạt và vượt kế hoạch.

Người dân Mù Cang Chải còn có thể sử dụng căn cước công dân hoặc ứng dụng VNeID trong khám, chữa bệnh; có hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; học sinh được tiếp cận với các bài giảng điện tử tích hợp hình ảnh, âm thanh, video…; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đã kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số, thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong bộ máy hành chính nhà nước, 100% cán bộ, công chức khai thác hiệu quả ứng dụng phần mềm dùng chung của tỉnh như: thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản Voffice, chứng thư số, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác trao đổi, xử lý công việc trên môi trường mạng; tỷ lệ cán bộ sử dụng, trao đổi bằng văn bản điện tử ở cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 54%; phòng họp trực tuyến được khai thác, sử dụng có hiệu quả, phục vụ thông suốt từ trung ương đến tỉnh, huyện và xã...

Theo Hoài Anh (Báo Yên Bái)