Ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Chuyển đổi số đã len lỏi vào tất cả khía cạnh cuộc sống
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: Vừa qua, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt phụ thuộc lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân lực, nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được bước phát triển mới với nhiều thành quả.
Chủ trương phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong văn kiện đại hội Đảng.
Thủ tướng khẳng định: Chuyển đổi số đã len lỏi vào tất cả khía cạnh cuộc sống. Khi đó, ai đi sau, không bắt kịp sẽ tụt lại phía sau, bị lạc hậu, thậm chí bị đào thải, và việc đó diễn ra cả trên môi trường thực lẫn môi trường số.
Nhắc đến sự phát triển trí tuệ nhân tạo, Thủ tướng cho rằng, mặt tích cực của trí tuệ nhân tạo không ít nhưng cũng cần đánh giá tác động của mặt tiêu cực một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Trên cơ sở đó, định hướng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo như thế nào để phù hợp hoàn cảnh cụ thể con người trên thế giới hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có quy mô, tốc độ chưa có tiền lệ, làm thay đổi lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa sang giai đoạn mới, thâm dụng tri thức, đột phá sáng tạo, mở ra cơ hội cho chúng ta bắt kịp, đi cùng vượt lên trong một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
“Đi cùng với họ nhưng phải có đột phá vươn lên”, Thủ tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, cách mạng công nghiệp 4.0 có phạm vi tác động bao trùm, toàn diện, hình thành các quan hệ sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải...
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức, nhưng chúng ta phải luôn bản lĩnh, không bao giờ quá lạc quan với điều kiện thuận lợi nhưng cũng không bi quan với những khó khăn thách thức có thể đến bất cứ lúc nào.
“Vấn đề là chúng ta dự báo được không, phát hiện kịp thời không và có phản ứng cho linh hoạt, phù hợp hiệu quả hay không. Điều đó phụ thuộc năng lực quản trị, ở các cấp, các ngành, nhất là ở các cấp chiến lược”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số phải mang lại kết quả thực chất, giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: Tri thức mới thì tạo ra công nghệ mới. Công nghệ mới thì tạo ra công nghiệp mới và dẫn tới công nghiệp hoá. Công nghiệp mới thì tạo ra kinh tế mới. Kinh tế mới thì tạo ra xã hội mới. Kinh tế mới và xã hội mới thì dẫn tới hiện đại hoá.
Như vậy, công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) luôn gắn với các tri thức và công nghệ mới, tức là gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mới.
Mỗi nước rồi cũng phải đi con đường riêng của mình để CNH, HĐH đất nước. Cũng chưa có mô hình nào mà có từ hai nước trở lên thành công. CNH, HĐH Việt Nam thì phải đi con đường Việt Nam, dựa trên bối cảnh văn hoá, trình độ phát triển, chế độ, tố chất con người và những bài toán Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải có góc nhìn riêng, độc đáo về CNH, HĐH trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.
“CMCN lần thứ tư thì có đến 50% là các công nghệ số, 50% các công nghệ còn lại dựa trên công nghệ số để phát triển. Bởi vậy, nhiều người coi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng công nghệ số. Công nghệ số thì hợp với người Việt Nam. Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc. Đó là lợi thế Việt Nam để đẩy nhanh CNH, HĐH”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng TT-TT cho rằng: Nếu chúng ta phát triển một nền tảng tri thức căn bản để hỗ trợ mỗi người dân, thí dụ như trợ lý ảo, thì sức mạnh của 100 triệu người Việt Nam sẽ gấp bội. Như vậy, CMCN lần thứ tư là trao thêm quyền năng cho con người, thay vì thay thế con người. Nếu hiểu theo nghĩa này, cuộc CMCN lần thư tư là cuộc cách mạng về trao thêm quyền năng cho toàn dân, là một cuộc cách mạng toàn dân. Mà Việt Nam chúng ta, chế độ chúng ta lại rất mạnh về những gì mang tính cách mạng toàn dân.
Xây dựng hạ tầng chiến lược
Nhấn mạnh tầm quan trọng việc hoàn thiện hạ tầng đất nước, Thủ tướng khẳng định: Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước mà hạ tầng chiến lược không phát triển thì không thể nào gọi là CNH-HĐH được. Hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, đột phá hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
“Giá thành sản phẩm của nước ta so với thế giới đang cao. Rõ ràng, hạ tầng giao thông đang hạn chế nhiều sự phát triển của chúng ta, làm giá thành sản phẩm cao, cạnh tranh thế giới khó khăn. Cho nên, đột phá hạ tầng là phù hợp, đặc biệt cần thiết trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước, bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, điện và các hạ tầng chiến lược khác”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Đề cập đến tiến độ hạ tầng giao thông, Thủ tướng chia sẻ: Chúng ta đã triển khai một loạt dự án cao tốc. Các dự án cao tốc theo trục Bắc Nam cơ bản đã và đang triển khai tốt. Tới đây, sẽ tiếp tục khởi công các dự án mang tính chất liên vùng, như đường vành đai 3 TP.HCM, dự án vành đai 4 TP. Hà Nội...
“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã đưa vào sử dụng gần 600km đường bộ cao tốc, hy vọng với tốc độ này sẽ triển khai hệ thống đường giao thông nhanh, góp phần vào 1 trong 3 động lực tăng trưởng của đất nước”, Thủ tướng kỳ vọng và cho biết đã có chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đang tìm đơn vị tư vấn, nguồn vốn để triển khai.
Với các hạ tầng khác Thủ tướng lưu ý phải làm sao để không có "vùng lõm" về viễn thông và về điện, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc ít người, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN lần thứ tư. Đó là, có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo; hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh; cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh hạnh phúc.
Thủ tướng đề nghị, sau diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta. Chúng ta đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm trọng điểm để phân bổ nguồn lực thời gian thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.
Trưởng ban Kinh tế TƯ Trần Tuấn Anh cho biết: Nghị quyết 29 của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XIII đã xác định mô hình CNH, HĐH của Việt Nam là mô hình dựa trên nền tảng của KH-CN và đổi mới sáng tạo; coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là các quá trình chuyển đổi then chốt, là những phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình CNH, HĐH. Qua diễn đàn, ông mong muốn các đại biểu trao đổi, làm rõ kinh nghiệm của quốc tế về CNH-HĐH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ sở thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và rút ra các bài học kinh nghiệm, hàm ý chính sách đối với Việt Nam; làm rõ thực trạng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam; những kết quả và hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan về tổ chức thực hiện. |
Xem toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT tại diễn đàn |