Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được xem là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.
Mục tiêu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Có ít nhất 97% số xã đạt chuẩn nội dung 8.4 của tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông; 50% số xã đạt chuẩn nội dung 15.2 của tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.
Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nội dung 9.5 của tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nội dung 6.5 của tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt nội dung 9.2 của tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu 100% số cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Có ít nhất 70% số xã có hợp tác xã, 70% đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Có ít nhất 40% đơn vị cấp xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Phấn đấu triển khai xây dựng ít nhất 2 thôn/xã thông minh tại mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để tổng kết và nhân ra diện rộng.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ mới, có nhiều lợi ích song cũng được đánh giá là nhiệm vụ khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Do vậy, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư…
Thanh Hải