Ngày 23/3, Hội nghị triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2022 diễn ra tại TP.HCM. Hội nghị đã tiến hành tổng kết xuất bản năm 2021, triển khai những vấn đề cần giải quyết và mục tiêu cho ngành xuất bản, in, phát hành sách trong thời gian tới.

Chuyển đổi số giúp ngành xuất bản vươn lên trong đại dịch

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành nhìn nhận Covid-19 ảnh hưởng nặng đến doanh số ngành xuất bản trong năm 2021. Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát, các hoạt động được vực dậy, phát triển và đạt được những thành tựu khả quan.

{keywords}
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành. 

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ nhưng điều đáng mừng là tổng doanh thu toàn ngành vẫn có sự tăng trưởng (tăng 12% so với năm 2020). Nhiều nhà xuất bản có mức lợi nhuận tốt. Các hoạt động quảng bá, tôn vinh sách và người làm sách được đẩy mạnh thông qua các sự kiện, lễ hội đưa văn hóa đọc phát triển thêm một bước.

Điểm nổi bật trong năm qua là nhận thức và hành động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đã có bước đầu chuyển biến căn bản. Trong điều kiện khó khăn do tác động của Covid-19, đội ngũ làm xuất bản đã chủ động tìm kiếm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, từng bước thực hiện nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo bước đột phá trong quá trình phát triển.

Tổng số nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử đã tăng 33% so với năm 2020. Trong lĩnh vực phát hành, để khắc phục ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói...

Một số doanh nghiệp phát hành sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, như: Công ty Cổ phần Công nghệ WeWe, Công ty Cổ phần Fonos, Công ty Cổ phần Waka đã thu hút 500 nghìn người dùng và hàng triệu lượt truy cập, tăng gấp nhiều lần so với năm 2020. Các sàn thương mại điện tử chuyên biệt về phát hành sách cũng có mức tăng trưởng rất cao, Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2 đã có những thành công vượt trội với 40 nghìn bản sách đến bạn đọc, hơn 6 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt hơn 4,5 tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần so năm 2020).

Bên cạnh những bước tiến khả quan, Cục trưởng cũng chỉ ra những điểm hạn chế như: số lượng ấn bản bình quân còn thấp; cơ cấu sách còn chưa hợp lý; ít sách có giá trị cao, có sức lan tỏa, nhất là sách về lĩnh vực khoa học chính trị, khoa học công nghệ. Mặt khác, việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm. Hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản. Những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản hầu như chưa có nhiều.

Văn hóa đọc đã có bước phát triển nhưng vẫn cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, quảng bá sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách của mỗi cá nhân, trong gia đình và cộng đồng.

{keywords}
Bộ Thông tin và Truyền thông khen thưởng cá nhân, tập thể thuộc các đơn vị xuất bản, phát hành. 

Tại hội nghị, đại diện các nhà xuất bản gồm: NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Trẻ, NXB Thế giới,... cũng lần lượt đưa ra những tham luận mang tính đóng góp, nêu những khó khăn và đề xuất giải pháp khắc phục theo lộ trình phát triển.

Các NXB đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, tổ chức ra mắt được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ đa dạng, phù hợp nhu cầu của xã hội cũng như nhiệm vụ chính trị quốc gia. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều cuốn sách có giá trị, thu hút được nhiều bạn đọc và được in với số lượng lớn như: Muôn kiếp nhân sinh, Hành trình về phương Đông, Từ tốt đến vĩ đại… Sapiens – Lược sử loài người

Xem chuyển đổi số là mục tiêu sống còn của ngành xuất bản

Với hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành xuất bản Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa các hoạt động xuất bản điện tử sẽ đi vào đời sống thực tế, mở cánh cửa hội nhập, phát triển với thế giới cũng như thích ứng với những biến động của xã hội.

Theo số liệu trong báo cáo, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua được các nhà xuất bản chú trọng hơn. Tổng số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên thành 12 nhà xuất bản (tăng 33%). Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết sắp tới sẽ hướng tới việc đưa số lượng nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử chiếm 25% trong năm 2022.

{keywords}
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là phải phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá dựa trên công nghệ số. Do đó các nhà xuất bản, doanh nghiệp in và phát hành xuất bản phẩm cần có sự liên kết chặt chẽ, tạo thành dây chuyền để đưa ngành phát triển toàn diện. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành cũng như đối với từng đơn vị, doanh nghiệp và cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

4 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch chuyển đổi số bao gồm: thống nhất nhận thức trong cán bộ, nhân viên, người lao động ngành về các nội dung chuyển đổi; rà sát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật; thực hiện chuyển đổi toàn bộ quy trình quản lý và cuối cùng là tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo quá trình vận hành được ổn định, phát triển trên đa dạng nền tảng. Những nhiệm vụ này sẽ được tiến hành trong giai đoạn 5 năm, nhấn mạnh vào các giải pháp: Sửa đổi luật xuất bản, hợp tác với công ty công nghệ đầu tư phát triển, phát triển nguồn nhân và vật lực…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo mỗi đơn vị trong ngành cần tìm tòi những phương thức, hình thức xuất bản theo kịp sự phát triển của công nghệ. Điều quan trọng trước hết là đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.

“Chúng ta cần có phải nhiều hơn những phiên bản sách để có thể tiếp cận được mọi đối tượng độc giả, vượt qua những giới hạn về không gian và thời gian. Xuất bản điện tử và sách điện tử chính với những định dạng âm thanh cùng hình ảnh sẽ là phương thức không thể hợp lý hơn để thực hiện mục tiêu đó!

Không gian số đã và đang mở ra không gian hợp tác phát triển mới. Công nghệ giúp đưa tác giả, người làm sách và cả bạn đọc “ngồi” lại với nhau cùng trong một “căn phòng” để bàn thảo, để hoàn thiện ý tưởng cho từng cuốn sách…”, ông Phạm Anh Tuấn phát biểu.

{keywords}
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. 

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu 4 giải pháp tổng kết cho ngành xuất bản gồm: Một là tiếp tục nâng cao và tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản; Hai là các cơ quan chủ quan, nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực hoạt động; Ba là tăng cường quảng bá, truyền thông sách nhằm xóa "vùng trắng" về văn hóa đọc; Cuối cùng là thích ứng linh hoạt sau đại dịch Covid-19 với tính tự chủ, chủ động trong phòng chống dịch. 

Tuấn Chiêu

Ảnh:

Chuyển đổi số nhìn từ hội sách lớn nhất thế giới

Chuyển đổi số nhìn từ hội sách lớn nhất thế giới

Sách nói - Audiobook và Podcast không chỉ là xu hướng mà đang trở nên không thể thiếu trong ngành công nghiệp xuất bản. Dịch bệnh khiến các hiệu sách đóng cửa nhưng hoạt động sách trực tuyến lại diễn ra vô cùng sôi nổi.