Chưa tìm được việc làm mới, anh Hoàng Ngọc Thủy (SN 1980, ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh để làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh hướng dẫn lập tài khoản và thực hiện các thủ tục qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, anh Thuỷ nhanh chóng hoàn thành việc nộp hồ sơ.

Hà Tĩnh 1.jpg
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Anh Thủy chia sẻ: “Nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giúp tôi tiết kiệm thời gian. Sau 1 tuần, tôi đã nhận được tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ qua tài khoản”.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm.

Đặc biệt là việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã giúp người lao động giảm tối đa thời gian cũng như sớm nhận được tiền trợ cấp.

Chỉ tính năm 2024, trung tâm đã tiếp nhận hơn 6.277 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trong đó có 4.355 hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia), tham mưu ban hành 6.277 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 4.355 quyết định qua Cổng Dịch vụ công quốc gia). 

Hà Tĩnh 2.jpg
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ thông tin để lao động phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị đặc biệt chú trọng đến ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động, nhất là trong tư vấn, giới thiệu việc làm.

Trong năm, đã hoàn thành nâng cấp website theo chuẩn mới, phù hợp với đặc thù công việc hiện tại; xây dựng các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn như: quản lý đào tạo, thu thập thông tin thị trường lao động, sử dụng mã QR-Code để lấy thông tin của người lao động đến giao dịch nhằm giảm thiểu thời gian thực hiện, sử dụng mã QR-code để lấy ý kiến người lao động đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đánh giá thái độ phục vụ của viên chức, người lao động làm việc tại trung tâm”.

Cùng với lĩnh vực lao động – việc làm, các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, người có công, bảo trợ xã hội thời gian qua được ngành LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và triển khai đăng ký học nghề qua mạng; các ứng dụng phần mềm dạy học trực tuyến, phần mềm trong quản lý đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến…

Sở LĐ-TB&XH hoàn thành nhập cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã cập nhật được 30.389/30.389 hộ, tỷ lệ đạt 100%; hoàn thành việc điều tra, thu thập thông tin người lao động, đã cập nhật 758.943/758.943 số phiếu vào phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia đạt tỷ lệ 100%.

Hà Tĩnh 3.jpg
Số hoá hồ sơ người có công với cách mạng và các đối tượng khác giúp cán bộ thuận lợi tra cứu, khai thác thông tin phục vụ giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng.

Triển khai số hóa hồ sơ trên 303 ngàn lượt người có công với cách mạng và các đối tượng khác (trên 400 ngàn hồ sơ các loại); số hóa 84.907 hồ sơ người có công.

Các hồ sơ đã được số hóa giúp cho tra cứu, khai thác thông tin phục vụ giải quyết nhanh, chính xác chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công và thân nhân.

Thực hiện rà soát, thu thập, cập nhật dữ liệu đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội vào cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội để đồng bộ dữ liệu từ trung ương đến địa phương nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến, phục vụ cho việc khai thác tối đa kết quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả.

Hiện đã có 61.202/66442 (đạt tỷ lệ 92%) số đối tượng đang hưởng trợ giúp xã hội được thống kê và quản lý trên phần mềm hệ thống thông tin, dữ liệu (được kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Năm 2024, toàn tỉnh cũng đã thực hiện chi trả tiền trợ cấp hằng tháng qua tài khoản cho 95.752/105.216 đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội đạt tỷ lệ 91,01%.

"Để người dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi nhất và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội đạt hiệu quả cao, thời gian tới ngành LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thực thi công vụ.

Tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành tại cơ quan, đảm bảo hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số; xây dựng và triển khai đề án số hóa cơ sở dữ liệu người có công với cách mạng, số hóa hồ sơ quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số".

Ông Đinh Hữu Công – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Theo NAM GIANG (Báo Hà Tĩnh)