Đây là nhận định của Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM và lãnh đạo các doanh nghiệp tại hội nghị và triển lãm Biztech Vietnam được tổ chức tại TP.HCM ngày 10/5 vừa qua.
Theo Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM, một trong những nỗ lực của thành phố trong năm vừa qua là thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh và các doanh nghiệp cũng nhận thức được điều đó rất quan trọng, nhất là trong quá trình hoà nhập với thế giới hiện nay, đặc biệt trong công tác xuất khẩu. Chính những nỗ lực đó đã giúp TP.HCM nằm trong top 5 cả nước về tăng trưởng xanh, một điều rất đáng ghi nhận.
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, chuyển đổi số hay chuyển đổi xanh vẫn phụ thuộc vào con người, nhận thức từ người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, người lãnh đạo có chịu thay đổi môi trường từ truyền thống sang số hay không, nếu đồng ý là đã thành công 50%.
Thực tế khi triển khai các giải pháp này ở doanh nghiệp lớn rất dễ, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không phải câu chuyện đơn giản. TP.HCM có trên 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là đối tượng được thành phố tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi số là chính.
Để làm được điều này đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải phối hợp với các tổ chức, các hiệp hội… thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn để doanh nghiệp nắm quá trình chuyển đổi số, giới thiệu các sản phẩm kỹ thuật đơn giản để giúp doanh nghiệp đưa công việc lên môi trường số. Bên cạnh đó, thành phố cũng đưa ra các công cụ để doanh nghiệp đánh giá về biến đổi khí hậu, giảm phát thải, khí thải nhà kính… khi chuyển đổi số, để đo lường được các con số đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay.
Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM nhấn mạnh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là xu thế tự nhiên, bắt buộc và nếu doanh nghiệp không làm có thể bị phá sản. Điều quan trọng là chúng ta phải làm như thế nào, thành phố đang đặt doanh nghiệp vào tầm nhìn ngắn hạn 5 năm, bắt đầu từ các điểm nhỏ không tốn nhiều nguồn lực, từ quyết tâm và tư duy của lãnh đạo cho ra hiệu quả, lúc ấy doanh nghiệp mới đi thuyết phục cổ đông đầu tư.
Nỗ lực của doanh nghiệp rất quan trọng, tiếp đến là yếu tố người tiêu dùng, một doanh nghiệp xanh phải có người tiêu dùng xanh, chính quyền chỉ đưa ra hướng tác động.
Ông Will Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách CNTT và chuyển đổi số KPMG cùng quan điểm, cho rằng chuyển đổi số hay xanh bắt đầu từ nhận thức của ban lãnh đạo doanh nghiệp, nó diễn ra khi doanh nghiệp bắt buộc phải tăng thế cạnh tranh để gia nhập vào sân chơi quốc tế. Đây không phải là trách nhiệm của xã hội nữa mà là yêu cầu về câu chuyện cạnh tranh ở thị trường toàn cầu.
Để đầu tư cho chuyển đổi xanh tuỳ vào mức độ trưởng thành của doanh nghiệp đó đang ở đâu, việc đầu tư vào các sản phẩm công nghệ xanh như xe điện, dùng IoT… Doanh nghiệp cần áp dụng các công nghệ để đưa ra các dữ liệu, các chỉ số đánh giá về mức độ chuyển đổi xanh của mình, ngày nay với sự xuất hiện của công nghệ AI dễ dàng làm được điều đó.
“Đầu tiên lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức được, tiếp theo mới đến bài toán về tài chính. Thực tế hiện nay các giải pháp về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn đắt nữa, có những giải pháp chỉ bằng ly cà phê buổi sáng. Hiện rất nhiều giải pháp công nghệ có mức giá đầu tư phải chăng để doanh nghiệp áp dụng”, ông Will Nguyễn nói.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững, Công ty Heineken Việt Nam, chia sẻ chuyển đổi số hay xanh, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, từ nhận thức đến năng lực. Trong đó, vấn đề khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực, để đáp ứng được các tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, một mình Heineken không thể làm hết được mà cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có sự đồng hành từ các hiệp hội, sự hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tổ chức các diễn đàn kết nối… làm như thế họ sẽ được tiếp cận nhiều hơn. Cần cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu biết và đánh giá được năng lực của mình trước khi triển khai giải pháp thông qua các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cũng như đánh giá được năng lực tài chính.