Chuyển đổi (transform) bao giờ cũng bắt đầu bằng dịch chuyển (shift) tư duy. Trong lễ phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 ngày 1/4/2021, tôi có nhận định, công cuộc chuyển đổi số này thực sự phải là một cuộc "Đổi mới tư duy" và là “Đổi mới lần 2”, sau cuộc đổi mới lần một vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20.

Trong cuốn sách nổi tiếng "Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học (The Structure of Scientific Revolutions)", Thomas Kuhn đã nói, khoa học hay những tiến bộ có tính bước ngoặt không phát triển theo một đường thẳng, hay nói cách khác không phát triển tuyến tính, bằng việc tích luỹ đều đặn tri thức mới, mà phải trải qua những cuộc cách mạng, tức là phải trải qua những bước chuyển dịch “mẫu hình” (paradigm shifting), trong đó có sự thay đổi đột ngột về bản chất của công việc tìm tòi và phát triển khoa học và xã hội.

Chừng nào chúng ta vẫn giữ các khuôn mẫu cũ chừng đó khó lòng có thể tạo ra những đột biến hay thay đổi triệt để vấn đề. Các giải pháp cuối cùng chỉ là hình thức chắp vá, tối ưu những thứ đang hiện hữu. Tính cách mạng đi liền với thay đổi mẫu hình, dịch chuyển sang một hệ hình mới.

Trong cuốn sách “Futureproof - 15 nhân tố quyết định tương lai của doanh nghiệp” của hai tác giả Caleb Storkey và Minter Dial nói về 15 nhân tố quyết định tương lai của doanh nghiệp và nghề nghiệp cá nhân, tác giả đã nêu lên sự dịch chuyển hình thức tư duy cũ và mới trong tình hình hiện nay (xem hình 1).

{keywords}
Hình 1: Dịch chuyển từ tư duy cũ sang tư duy mới

Chuyển đổi số là một thuật ngữ thời thượng (buzz word) gần đây giống như Cách mạng công nghiệp 4.0 (IR 4.0), Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud computing), Internet Vạn vật (Internet of Things). Có thể mượn cách nói của GS nổi tiếng Dan Ariel, tác giả cuốn sách Phi lý trí (Predictably Irrational):

"Chuyển đổi số rất giống với quan hệ tình dục. Mọi người đều nói về nó. Chỉ một số ít thực sự biết làm thế nào. Mọi người đều nghĩ rằng những người khác đang làm điều đó. Vì vậy, mọi người đều tuyên bố rằng mình đang thực hiện".

Tôi tán thành kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong một hội nghị Chuyển đổi số ở Bà Rịa- Vũng Tàu:

"Làm nhanh thì được, làm chậm thì không xong. Làm nhanh thì năng lượng tập trung nên vượt qua khó khăn. Chuyển đổi số thì làm nhiều, nói ít. Vì chuyển đổi số là mới với cả thế giới, chỉ có làm thì mới vỡ ra, không nên bàn quá nhiều về cái mới".

{keywords}
Chuyển đổi (transform) bao giờ cũng bắt đầu bằng dịch chuyển (shift) tư duy

Thế nhưng, có một thực tế là chuyển đổi số là việc cần làm nhưng làm thế nào lại không đơn giản. Trình độ hay mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam rất thấp.

Nếu áp dụng mô hình năm giai đoạn đánh giá về mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp mà tác giả Tony Saldanha đã nêu rõ trong cuốn sách “Tại sao chuyển đổi số thất bại: Các nguyên tắc đáng ngạc nhiên về cách cất cánh và đi trước”, đa số các công ty ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn một và hai. Một số các công ty công nghệ Việt Nam như FPT, Viettel ở giai đoạn ba, mức phấn đấu lên giai đoạn bốn. Còn giai đoạn năm, là những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Amazon, Google.

Giai đoạn đầu tiên là nền tảng, tức là chuyển đổi các tài liệu, quy trình chuyển sang nền tảng số. Đây là điều cần thiết cho quá trình chuyển đổi số và việc đầu tiên của chúng ta làm là số hóa quy trình và các tài liệu.

Giai đoạn thứ hai, hay còn gọi tách lập (siloed) là lúc một số lãnh đạo của doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được tiềm năng đột phá của chuyển đổi số nên đứng ra bảo lãnh (sponsor) cho các nỗ lực này. Ví dụ, giám đốc tiếp thị thấy được tiềm năng của việc sử dụng các kênh online để bán hàng chẳng hạn.

Giai đoạn thứ ba, đồng bộ bán phần (partially synchronised), là giai đoạn lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy nhu cầu cần phải có một chiến lược tổng thể đơn nhất cho chuyển đổi số.

Giai đoạn thứ tư, đồng bộ toàn phần (fully synchronised), là lúc doanh nghiệp đã chuyển đổi toàn bộ sang một mô hình kinh doanh số mới.

Giai đoạn thứ năm, được gọi là “Living DNA”, là khi công ty không những chỉ chuyển đổi mô hình kinh doanh, mà còn thay đổi cả văn hóa doanh nghiệp của mình. Khi đó, chuyển đổi số đã trở thành một động cơ chuyển đổi không ngừng, liên tục đổi mới các hoạt động của doanh nghiệp.

Cách tiếp cận hiện nay, theo quan sát của tôi, vẫn là chuyển đổi số do hoạt động công nghệ dẫn dắt. Các hãng công nghệ trình bày các giải pháp của mình và mời chào doanh nghiệp sử dụng, rất giống kiểu "gọt chân cho vừa giày". Tôi có những công nghệ tiên tiến thế này! Các anh cứ việc dùng, kiểu gì cũng mang lại lợi ích.

Điều đó đang đúng vì mức độ chuyển đổi số của chúng ta thấp. Cứ áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình, số hóa ban đầu, kiểu gì cũng mang lại một số lợi ích ngắn hạn. Nhưng lâu dài sẽ khó phát triển trong những giai đoạn ba, bốn và tiến lên giai đoạn năm. Các doanh nghiệp có một "di sản" nặng nề, chia cắt từ [NDT1] nhiều công nghệ không thể tích hợp trong một tổng thể.

Trên nền tảng các nguy cơ tiềm tàng nói trên, cách làm tôi đề xuất vẫn phải là đi từ nguyên tắc căn bản như các nghiên cứu của MIT Sloan và Deloitte chỉ ra:

"Và điều quan trọng là chiến lược chứ không phải công nghệ dẫn dắt chuyển đổi số, có nghĩa là phải có chiến lược đầy đủ, hoạch định đường hoàng rồi sau đó chúng ta mới lựa chọn công nghệ”.

Vấn đề rất quan trọng và có ý nghĩa sống còn cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp là chuyển đổi số suy cho cùng, phải bắt đầu từ đổi mới tư duy.

Đào Trung Thành (Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số, chiến lược Viễn thông - CNTT)

Chú thích:

[NDT1] có nên cân nhắc dùng công nghệ (có hàm ý nghĩa xấu) hay dùng là: Các doanh nghiệp có một "di sản" nặng nề, manh mún, rời rạc từ một loạt các công nghệ không thể tích hợp trong một tổng thể.

Trải thảm đỏ chiêu mộ nhân tài công nghệ tầm cỡ thế giới

Trải thảm đỏ chiêu mộ nhân tài công nghệ tầm cỡ thế giới

Hiểu rõ việc đảm bảo nguồn nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số đóng vai trò quyết định trong cuộc đua toàn cầu ở thời đại 4.0, Singapore có những quyết sách và bước đi bài bản.