Nhưng trên hết, đều có sự vào cuộc tâm huyết, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của người dân, với vai trò chủ thể trong phát triển địa phương.
Những người “thắp lửa”
“Người dân nông thôn làm gì để chuyển đổi số? Chuyển đổi số có khó không? Không khó! Bà Quế, ông Tấn ngoài 60 tuổi, nhưng đã biết sử dụng mạng xã hội để bán chè lam rất đắt hàng. Các ông, bà ấy còn nhận tiền bằng hình thức chuyển khoản. Chuyển đổi số rất tiện lợi. Người biết rồi bảo cho người chưa biết để nhiều người cùng hưởng lợi...”. Đây là một trong những ý kiến được nêu ra tại hội nghị sinh hoạt chuyên đề: “Một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình thôn thông minh” do Chi bộ thôn 6 (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) tổ chức vào tối 10/5 vừa qua.
Theo Bí thư Chi bộ thôn 6 Nguyễn Như Xô, trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chi bộ nhận thấy cần thiết phải tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nội dung này để các đảng viên hiến kế cùng nâng cao chất lượng mô hình thôn thông minh.
Tại buổi sinh hoạt, rất nhiều đảng viên cùng bàn cách đẩy mạnh chuyển đổi số vào cuộc sống. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 6 (xã Đại Đồng) Khuất Thị Hạnh chia sẻ: "Khi mới triển khai lập nhóm Zalo, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có người vừa được chúng tôi mời vào, lại rời nhóm luôn. Chúng tôi vừa tuyên truyền, vận động, vừa thuyết phục bằng tin nhắn có nội dung: Trang Zalo này là của xóm mình, thôn mình. Tôi là trưởng nhóm. Tôi lập nhóm Zalo với mục đích trao đổi thông tin, cập nhật tình hình thôn, xóm để cùng giải quyết việc chung, mọi người tham gia nhé!. Cứ thế, dần dần, người dân trong thôn tham gia nhóm Zalo ngày càng đông và hoạt động tương tác rất hiệu quả”.
Xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) là nơi nổi tiếng với nghề truyền thống sản xuất miến dong, mỳ, bún phở khô. Bà Nguyễn Thị Thuận, chủ cơ sở sản xuất miến dong ở thôn Minh Hiệp 1 (xã Minh Khai) cho hay, các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng của xã và thôn rất tích cực hướng dẫn người dân cài đặt, triển khai các ứng dụng trên nền tảng số để sản xuất, kinh doanh. Người dân thạo dần với việc đăng ảnh quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, mở tài khoản thanh toán điện tử…, từ đó, hàng hóa tiêu thụ tốt hơn trên các kênh bán hàng trực tuyến: Shopee, Facebook, Zalo…
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) Ngô Văn Chiến, với tinh thần “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, xã yêu cầu đội ngũ cán bộ thôn “cắp sách” đi học trước. Khi đã thuần thục, các thôn thành lập tổ chuyển đổi số, trong đó lực lượng nòng cốt là đảng viên, trưởng các đoàn thể, học sinh, sinh viên.
Để hoạt động hiệu quả, tổ chia thành các nhóm 3-4 người, đến từng nhà hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt phần mềm quản lý dân cư, cách tra cứu thông tin… Với sự kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kết hợp tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, nên số lượng người dân tiếp cận với công nghệ số ngày càng tăng.
“Đáng mừng là, từ khi phong trào xây dựng thôn thông minh được triển khai, đời sống người dân chuyển biến, sôi động hơn hẳn. Các nhóm Zalo được thành lập, sự kiện nổi bật, thông tin an ninh được cập nhật nhanh chóng”, ông Ngô Văn Chiến nói.
Còn tại huyện Sóc Sơn, để phục vụ công tác chuyển đổi số, cách đây ít năm, huyện đã cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) - một trong những địa phương làm điểm xây dựng xã chuyển đổi số của toàn quốc.
Sau khi học tập, nhận thấy xã Yên Hòa sử dụng hệ thống Zalo OA (giống như website đăng tải toàn bộ thông tin hoạt động của địa phương gắn kết đến 100% người dân trên địa bàn) rất hiệu quả, nên huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng theo mô hình này.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn xây dựng và ban hành 20 tài liệu hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dạng hình ảnh lồng ghép âm thanh để người dân dễ dàng thao tác, làm theo…
Với huyện Phú Xuyên, không nằm ngoài “làn sóng” chuyển đổi số, huyện đã tăng cường chỉ đạo lắp đặt mạng truyền dẫn cáp quang đến các xã, thị trấn. Từ các trung tâm văn hóa xã đến nhà văn hóa thôn đều được triển khai hạ tầng mạng không dây, internet miễn phí, giúp người dân có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Hầu như tuần nào, tháng nào, huyện cũng tổ chức chương trình chuyển đổi số với hình thức khác nhau, như: Tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn “cầm tay, chỉ việc” nên công nghệ số “thẩm thấu” rất nhanh vào đời sống thường nhật…
Ngoài ra, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong ứng dụng chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ tại các huyện: Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, thị xã Sơn Tây..., qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn.
Thành công nhờ chủ trương đúng, trúng
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi số đạt kết quả ngoạn mục như hiện nay, trước hết nhờ chủ trương đúng và trúng của Chính phủ và thành phố Hà Nội. Cụ thể, để thúc đẩy chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tích cực đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch, đề án triển khai thực hiện. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, huyện đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện, xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn. Đặc biệt, Đan Phượng tranh thủ được sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp cho công tác chuyển đổi số.
Dẫn chứng thực tế, Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Quỳnh Lâm thông tin, khi triển khai mô hình thôn thông minh, tổng kinh phí thực hiện là hơn 400 triệu đồng, nhưng xã chỉ phải chi 50 triệu đồng tiền ngân sách, còn lại là từ nguồn xã hội hóa.
Cụ thể, VNPT Hà Nội đã hỗ trợ mở rộng độ phủ sóng wifi ở nhà văn hóa 4 thôn, hỗ trợ sim 4G để người dân trải nghiệm với tổng số tiền 30 triệu đồng; 2 doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ 30 triệu đồng; Huyện đoàn Đan Phượng hỗ trợ 36 triệu đồng trong nâng cấp trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số.
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã hỗ trợ 236 triệu đồng lắp đặt camera an ninh, đèn năng lượng mặt trời tại các ngõ, xóm. Hiện tại, xã Song Phượng đã hoàn thành xây dựng thôn thông minh ở 100% số thôn và đang thực hiện xây dựng xã thông minh.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho hay, năm 2023, thị xã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, duy trì ổn định hoạt động hệ thống mạng LAN trên toàn địa bàn thị xã. Cùng với đó, thị xã rà soát, trang bị, nâng cấp máy tính, thiết bị đầu cuối lồng ghép vào các dự án đầu tư, cải tạo, mua sắm trang thiết bị trường học, bộ phận “một cửa” của thị xã và các xã, phường; phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai chính quyền số gắn kết với phát triển đô thị thông minh, triển khai các cụm wifi miễn phí phục vụ người dân và khách du lịch tại khu vực Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây...
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, xác định thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại, năm 2023, Phú Xuyên xây dựng sàn thương mại điện tử có địa chỉ: https://phuxuyen.trangvangvietnam.top và đưa lên đây các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Phú Xuyên cũng đã mở nhiều lớp tập huấn cơ bản và nâng cao cho người dân về cách thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội. Từ đó, giúp nhiều cá nhân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tiếp cận kiến thức bán hàng trực tuyến (online); hiểu rõ nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến để kinh doanh hiệu quả.
Một yếu tố thuận lợi nữa, đó là việc chuyển đổi số được các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố tham gia với tâm thế chủ động. Điển hình như Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kỹ năng số cơ bản cho hội viên nông dân…
Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức 72 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác hội cho 6.480 lượt cán bộ chuyên trách và cán bộ cơ sở; phối hợp với hệ thống bưu điện của thành phố tổ chức 14 lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho 1.502 hội viên và tổ chức 8 lớp hướng dẫn các hộ kinh doanh, đưa hơn 1.000 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
“Công cuộc chuyển đổi số thu hút hàng chục nghìn nông dân, cán bộ hợp tác xã, doanh nghiệp khu vực nông thôn tham gia với tâm thế hào hứng học hỏi, khát khao thay đổi đời sống xã hội nông thôn”, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa chia sẻ.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho rằng: “Khi chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực, người dân sẽ tự tìm tòi học hỏi để trải nghiệm. Và khi có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, người dân sẽ tiếp cận với chuyển đổi số nhanh hơn, đúng hướng hơn.
Từ thành công của chuyển đổi số trong các thôn, làng, thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng mô hình xã chuyển đổi số, xã thông minh…
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển thương mại điện tử với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phù hợp với chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu".
Theo Nhóm PV (Báo Hànộimới)