Ngày hội công nghệ Netpoleon Technology Day 2022 vừa được tổ chức hôm nay tại Hà Nội với chủ đề “Thích ứng cùng chuyển đổi số”. Đây là sự kiện công nghệ lớn nhất năm của Netpoleon, nơi quy tụ các giải pháp hàng đầu về bảo mật và mạng networking tại Việt Nam.
Theo Netpoleon, chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội với các tổ chức doanh nghiệp nhưng cũng khiến các tổ chức đối mặt với nhiều nguy cơ cho hệ thống IT như tấn công APT, tấn công DDoS hay thất thoát dữ liệu,… Việc trang bị hệ thống bảo mật vì vậy đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Đỗ Việt Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát An ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) cho biết, quá trình chuyển đổi số làm gia tăng rủi ro bảo mật. Tội phạm mạng cũng muốn khai thác giá trị của dữ liệu thông qua hành vi trộm cắp, gian lận, tống tiền và nhiều loại tấn công mạng khác. Điều này khiến các tổ chức bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi số, thậm chí dẫn đến không thể chuyển đổi thành công.
Theo ông Thắng, tốc độ là một trong những mục tiêu cơ bản của chuyển đổi số. Việc vội vàng chuyển đổi có thể rất dễ dẫn đến tình trạng bỏ qua các biện pháp kiểm soát bảo mật và những rủi ro tiềm ẩn.
Việc xác định rủi ro và định lượng tác động trở nên khó khăn hơn khi các bên liên quan (tư vấn bảo mật, kinh doanh, CNTT, tài chính, quản trị…) vắng mặt trong những giai đoạn đầu của chuyển đổi số.
Một nghiên cứu của IBM cho thấy, việc gấp rút thực hiện chuyển đổi số làm tăng nguy cơ vi phạm dữ liệu lên 72%, tăng 65% rủi ro bị tấn công mạng và các mối đe dọa đối với tài sản có giá trị lớn.
Cùng với sự phát triển của chuyển đổi số, phạm vi tấn công của tin tặc cũng vì thế mà ngày càng mở rộng. Chuyển đổi số giúp số hóa quy trình sản xuất, kinh doanh và thông tin, các điểm truy cập mạng mới cũng tăng lên. Đây chính là cơ hội cho tội phạm mạng phát triển.
Từ những nhận định trên, đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi số chính là cơ hội và cũng là thách thức đối với các tổ chức, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số đòi hỏi nhiều sự thay đổi và thích ứng mau lẹ. Một chiến lược chi tiết và rõ ràng bao gồm các vấn đề về bảo mật sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro và thành công hơn trên hành trình chuyển đổi số.
Theo vị chuyên gia này, có 7 vấn đề then chốt của bảo mật và an toàn thông tin tác động đến quá trình chuyển đổi số. Các vấn đề này bao gồm bảo mật dữ liệu, bảo mật ứng dụng, bảo mật điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, quản trị nhận dạng và truy cập, bảo mật cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cuối cùng là sự phụ thuộc vào bên thứ 3 trong chuyển đổi số dẫn đến những yêu cầu đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng.
Nhìn chung, chuyển đổi số là cơ hội nhưng cũng là thách thức của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động. Để chuyển đổi số thành công, an toàn, các tổ chức cần có một nhận thức chung về chuyển đổi số, tiếp đến là các nguy cơ, vấn đề an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số.
Các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, quy trình chuyển đổi chặt chẽ, cơ sở hạ tầng linh hoạt, an toàn và đội ngũ nhân sự an toàn thông tin đáp ứng các yêu cầu về trình độ, kỹ năng.
Trọng Đạt