Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CĐS tại hội nghị do UBND TP. Huế tổ chức diễn ra chiều 13/1, qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU về CĐS và chương trình CĐS quốc gia, các sở, ngành, địa phương đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Quốc gia, của Ban Chỉ đạo CĐS và thực hiện Đề án 06 thành phố để triển khai thực hiện; một số mô hình, cách làm hay được triển khai hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Qua đó, đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận: ứng dụng Hue-S ngày càng hoàn thiện, tích hợp thêm nhiều dịch vụ đô thị thông minh và các nền tảng chính quyền số - xã hội số - kinh tế số; đã triển khai cổng dữ liệu mở của thành phố, hệ thống số hóa dữ liệu dùng chung toàn thành phố, số hóa dữ liệu phục vụ việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ đô thị thông minh.
Hạ tầng số được nâng cấp, đầu tư; mạng diện rộng được kết nối 100% cấp xã qua mạng truyền số liệu trong cơ quan Đảng và Nhà nước; sẵn sàng để thí điểm kết nối nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; đã kết nối, tích hợp 12/17 dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai và thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo 4/7 nền tảng số dùng chung.
Hệ thống thông tin của thành phố đã kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh xác thực tập trung đảm bảo không yêu cầu công dân cung cấp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện giao dịch thủ tục hành chính.
Đến nay, đã có 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định; gần 1.900 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình CĐS SMEdx; hơn 67% hộ gia đình có địa chỉ số; hơn 66% người dân biết kỹ năng về CNTT và truyền thông…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Với vị thế là một trung tâm KHCN lớn của cả nước, chúng ta có rất nhiều lợi thế, dư địa để phát triển nhưng cũng còn rất nhiều nhiệm vụ, mục tiêu cần phải tập trung triển khai, thực hiện.
Trong đó, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 12-NQ/TU (mới hoàn thành 12/18 chỉ tiêu); Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; phấn đấu đến năm 2030, Huế thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS toàn diện…
Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trên, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Ban chỉ đạo CĐS cùng các đơn vị liên quan rà soát lại các chương trình, kế hoạch CĐS của thành phố; thực hiện CĐS triệt để trong công tác chỉ đạo, điều hành và các giải pháp đưa ra phải được triển khai chặt chẽ, đồng bộ nhất để người dân được hưởng lợi.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến. Rà soát, làm sạch, xác thực các dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trọng tâm là số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai...
Đồng thời, “các ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT và quyết liệt các giải pháp thúc đẩy kinh tế số, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Dịp này, 10 tập thể trong đó có báo Huế ngày nay và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (nay là UBND thành phố).
Theo LIÊN MINH (Báo Huế ngày nay)