Có mã số vùng trồng, nông sản rộng cửa xuất khẩu
Sau khi cập nhật dữ liệu lên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng cho 900 ha diện tích thanh long của doanh nghiệp, ông Hà Tấn Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Bang Bình, chia sẻ, bước đầu việc đăng ký mã số cũng có khá nhiều thông tin nên doanh nghiệp mất một khoảng thời gian để thao tác. Song, so với làm việc trực tiếp thông qua văn bản, giấy tờ thì làm trực tuyến nhanh và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sau này.
Theo ông, khách hàng hiện rất chú trọng vấn đề chất lượng sản phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc. Khi doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng thì khách hàng sẽ thuận lợi truy xuất nguồn gốc, từ đó yên tâm mua sản phẩm. Doanh số bán hàng của doanh nghiệp nhờ vậy cũng tăng lên.
Thực tế, việc cấp mã số vùng trồng có vai trò đặc biệt quan trọng với việc mở rộng đầu ra cho các loại nông sản, nhất là xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Ví như vải thiều Bắc Giang, dù phía Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid, song việc tiêu thụ, xuất khẩu vải vẫn khá thuận lợi, một phần là nhờ vải thiều Bắc Giang đã được cấp mã số vùng trồng và bảo đảm yêu cầu về chất lượng cũng như các chỉ tiêu khác.
Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 200 mã số vùng trồng xuất khẩu vải thiều sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan với tổng diện tích hơn 16.000 ha. Ngoài ra, trái nhãn của tỉnh cũng được cấp 53 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Australia.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đến nay cả nước đã có 5.300 mã số vùng trồng được công nhận. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu nông sản đối với vùng nguyên liệu xuất khẩu.
“Ngoài các loại trái cây, Cục cũng đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng mã số vùng trồng trên các loại rau quả, lúa gạo xuất khẩu. Tín hiệu vui là các địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề này, tin tưởng trong thời gian tới diện tích các loại cây trồng được cấp mã số vùng trồng sẽ tiếp tục tăng”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Hướng tới nông nghiệp số
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hệ thống mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh nông sản, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế cũng như lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Việc xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng góp phần giải quyết bài toán “đúng, đủ, sạch, sống” trong dữ liệu vùng trồng, thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả… Qua đó dần thay đổi phương thức từ quản lý sản xuất nông nghiệp thủ công sang quản lý dựa vào công nghệ số.
Trong Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 cũng hướng đến tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chương trình đề ra mục tiêu có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chuyến tàu chuyển đổi số đã chính thức chuyển động. Chúng ta đi sau thì phải tăng tốc gấp nhiều lần. Chuyển đổi số là hành trình xuyên suốt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với các quốc gia khác.
Theo ước tính, cả nước có 4,8 triệu ha diện tích cây trồng, gồm: cây ăn quả, sản xuất lúa và cây công nghiệp. Nhiều địa phương đã và đang hình thành vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, các hợp tác xã với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều vùng đã được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản, như: lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, chanh leo ở Tây Nguyên; thanh long ở Bình Thuận; nhãn, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La...
Hà Giang