Chuyển đổi xanh là quá trình khó khăn, lâu dài
Chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi toàn diện sang một nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm, phát thải thấp nhằm hướng tới mục tiêu các mục tiêu thiên niên kỷ về thịnh vượng và bền vững.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, quá trình chuyển đổi xanh trong nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các hợp tác xã nông nghiệp.
Đáng chú ý là có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và cả hệ thống chính trị, thông qua nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi xanh. Điển hình như các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết 19…
“Chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu, theo đó, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động nông nghiệp. Chuyển đổi xanh thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận, nâng cao năng suất trong chuỗi giá trị nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, mang lại lợi ích lớn hơn cho hợp tác xã và các thành viên”, ông Hùng phân tích.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã vẫn đang đối diện không ít thách thức.
“Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình khó khăn, lâu dài, đòi hỏi tư duy rất sâu. Trong khi đó, phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, dẫn đến khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải carbon thấp, khó hấp thụ được các chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn cho chuyển đổi xanh. Thêm vào đó, tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu, các hoạt động liên danh liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến, dẫn đến kém linh hoạt khi chuyển đổi mô hình sang mô hình hợp tác xã nông nghiệp xanh”, ông Hùng nhấn mạnh.
Những việc cần làm để tăng hiệu quả chuyển đổi xanh cho các hợp tác xã
Sau khi phân tích khá rõ hiện trạng, Vụ trưởng Vũ Mạnh Hùng đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi xanh cho các hợp tác xã.
Trước hết, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các hợp tác xã. Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ, cần quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện tốt các chương trình, đề án về tăng trưởng xanh.
Đồng thời, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phát triển, chuyển đổi xanh các hợp tác xã nông nghiệp.
Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước cần cơ cấu lại các chính sách hỗ trợ, phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tập trung nguồn lực cho những chính sách thật sự mang lại hiệu quả cho phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp. Mạnh dạn dừng triển khai những chính sách không mang lại hiệu quả, không phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới, hoặc những chính sách “lồng ghép” khó xác định được đối tượng thụ hưởng là hợp tác xã nông nghiệp.
Bản thân các hợp tác xã nông nghiệp cũng cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững, không làm hại tới môi trường. Chẳng hạn như sử dụng hạn chế đầu vào các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, triển khai hoạt động sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP hay Global GAP nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng của chuyển đổi xanh.