Nền kinh tế xanh ngày nay xuất hiện như một lựa chọn tất yếu cho việc phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, “nền kinh tế xanh” là một khái niệm còn mới. Những năm gần đây, Chính phủ đã chú trọng về “nền kinh tế xanh” khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo xu hướng này, hướng tiếp cận mới trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia theo chiều sâu và bền vững.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra đầy biến động và ngày càng nghiêm trọng, ngày 9/9/2023, Cộng đồng doanh nhân Bách Khoa đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Chuyển đổi xanh - Kế hoạch hành động vì tương lai bền vững của doanh nghiệp". Tại tọa đàm, các chuyên gia và khách mời đã có những trao đổi rất thiết thực về chiến lược chuyển đổi xanh của doanh nghiệp với các nội dung bối cảnh chuyển đổi xanh ở Việt Nam; Xu hướng chuyển đổi xanh mở ra cơ hội và thách thức gì cho doanh nghiệp tại Việt Nam? Xu hướng công nghệ thu hồi carbon và thách thức theo dõi - báo cáo - thẩm định (MRV) trong cấp chứng chỉ carbon.
Đặc biệt hơn, sự chuyển đổi của tài chính xanh cũng là vấn đề được phân tích tại sự kiện để lý giải cho các xu hướng đầu tư, phát triển dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp có hoạt động, sản phẩm hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để tiếp cận với tài chính xanh; Tận dụng chính sách, cơ chế cho chuyển đổi xanh như thế nào?
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Long Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) đã có bài trình bày về Chuyển đổi xanh thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ông Long phân tích động lực chuyển đổi xanh hiện nay là do các quy định của nhà nước như đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050; Các quy định giảm dấu chân cacbon của sản phẩm, sử dụng tiết kiệm năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, quản lý chất thải, chuyển dịch năng lượng sạch và bền vững. Bên cạnh đó là áp lực quốc tế với các quy định mới của các nước nhập khẩu liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính (EU thực hiện đánh thuế cacbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính) và tính cạnh tranh như cơ hội thị trường rộng hơn, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm…
Cũng tại Hội thảo, ông Trịnh Việt Dũng, nghiên cứu sinh của trường Đại học Bách Khoa có bài giới thiệu về xu hướng công nghệ thu hồi carbon và thách thức theo dõi - báo cáo - thẩm định (MRV) trong cấp chứng chỉ carbon.
Tại tọa đàm, các đại biểu cùng thống nhất quan điểm hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng và lan tỏa thông điệp chuyển đổi xanh đến cộng đồng. Chuyển đổi xanh là chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh và bền vững, thân thiện với môi trường hơn. Cùng với đó là tăng cường xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt chuẩn nhằm đảm bảo nước thải, khí thải được xử lý an toàn, các thông số ô nhiễm ở mức cho phép trước khi thải ra môi trường.
Được biết, tọa đàm "Chuyển đổi xanh - Kế hoạch hành động vì tương lai bền vững của doanh nghiệp" nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến "Bách khoa ngày trở về" và chương trình ABA (Quản trị Kinh doanh ứng dụng dành cho Doanh nhân Công nghệ). Đây là tọa đàm phát huy tinh thần chia sẻ và gắn kết giữa những doanh nhân Bách khoa cũng như Chuyên gia về chủ đề "Chuyển đổi xanh" và "Tài chính xanh" ở Việt Nam.
Buổi tọa đàm có những chia sẻ đầy tâm huyết, học hỏi kinh nghiệm giữa những chuyên gia, chủ doanh nghiệp về chủ đề "Chuyển đổi xanh" trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra đầy biến động và ngày càng nghiêm trọng.