Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, đến 16h chiều nay (3/9), vị trí tâm bão số 3 Yagi trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15km/h.
Dự báo, bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.
Chiều cùng ngày, TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai vừa có nhận định về cường độ và hướng di chuyển của bão số 3. Bạn đọc có thể tham khảo nhận định này. Cụ thể, TS. Nguyễn Ngọc Huy cho rằng:
Sáng nay bão Yagi đã rời khỏi Luzon, nơi vốn được xem như một trận đồ phá bão bởi những dãy núi cao phía Đông có nhiều cây rừng cổ thụ và xen kẽ với các rãnh sâu giữa những ngọn núi. Bão vào nơi đây, dù có là siêu bão cũng phải tan. Nhưng khi ra khỏi Luzon rồi mà vẫn còn tàn dư của xoáy thuận thì bão lại có điều kiện thuận lợi để phát triển vì không còn chướng ngại vật cản đường.
Tâm bão Yagi cũng vừa đi qua Luzon nhưng lại tránh được các dãy núi cao phía Đông, vì vậy nó vẫn giữ được xoáy thuận mạnh để không tốn nhiều thời gian phục hồi năng lượng và mạnh lên. Thêm vào đó, nền nhiệt bề mặt biển ở Bắc Biển Đông đang rất cao (31⁰C) sẽ là nguồn năng lượng dồi dào tiếp sức cho bão mạnh lên.
Yagi sẽ sớm đạt cấp độ Cuồng Phong (typhoon) vào tối mai (4/9) và không loại trừ khả năng mạnh lên thành cấp SIÊU BÃO (super typhoon) vào ngày 6/9 khi bão tiếp cận bờ biển đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc.
Nếu tâm bão đi qua khu vực giữa hoặc phía Nam đảo Hải Nam thì bão sẽ giảm cấp nhiều và cấu trúc bão có thể bị phân mảnh một phần vì nơi đây có các ngọn núi cao từ 1.500-1.800m (Ngũ Chỉ Sơn ở giữa đảo (1.840m) là núi cao nhất Hải Nam. Các đỉnh núi cao trên 1.500m khác tại Hải Nam là Anh Ca lĩnh, Nga Tông lĩnh, Hầu Mi lĩnh, Nhã Gia đại lĩnh, Điếu La sơn). Nếu tâm bão đi qua khu vực eo biển giữa Hải Nam và Lôi Châu thì sẽ là điều nguy hiểm cho Vịnh Bắc Bộ vì bão sẽ không giảm cấp nhiều.
Hiện nay, mô hình GFS của Mỹ và CMC của Canada cho rằng, tâm bão sẽ đi vào bán đảo Lôi Châu; mô hình ECMWF của châu Âu cho rằng tâm bão sẽ đi qua đảo Hải Nam. Tôi thiên về mô hình của châu Âu hơn bởi hiện nay phía cao nguyên Tây Tạng đang hình thành một áp cao lục địa có tâm áp cao lên đến 1019hpa. Áp cao này dịch chuyển dần về phía Nam sẽ ép tâm bão Yagi đi hướng chính Tây hoặc chỉ chếch Tây Bắc một chút thay vì đi hướng Tây Bắc vào đất liền Trung Quốc.
Tất cả các điều kiện khí tượng đang rất hỗ trợ cho Yagi và vì vậy chúng ta không được chủ quan với cơn bão này.
Dù có giảm cấp sau khi rời khỏi Lôi Châu hay Hải Nam thì gió gần bờ khi tiếp cận đất liền phía Bắc của Việt Nam cũng giữ cấp 13, giật cấp 14 và 15.
Các tỉnh, thành ven biển và cả trong đất liền khu vực Bắc Bộ từ Thanh Hóa tới Quảng Ninh phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó bão.
Trước mắt, cần gia cố lại mái nhà lợp tôn bằng cách dùng bao cát, bao nilon lớn chứa nước đè mái tôn. Nhà yếu, nhà ở vùng thấp trũng thì tính phương án sơ tán người và tài sản.