Chuyên gia dự báo GDP cao nhất 6%
Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 chiều 19/9, các chuyên gia đề cập đến kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Trong đó cả 3 đều dự báo, tăng tưởng GDP năm 2023 đều thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra.
Cụ thể, ở kịch bản cơ sở, GDP dự báo tăng trưởng 5,2-5,5%. Nhưng nếu kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, Việt Nam tận dụng ít hơn các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới thì GDP dự báo chỉ tăng 4,4-4,5%.
Trường hợp kinh tế thế giới sớm phục hồi, các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, liên kết vùng, thúc đẩy hai động lực chính Hà Nội, TP HCM) được tận dụng triệt để, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 5,5-6%.
Song, vị chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, mức tăng trưởng có thể cao hơn.
Với năm 2024-2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát về mức dưới 3% năm 2025, khi đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.
Cũng dự báo về tăng trưởng GDP, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% năm 2023 là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khó khả thi, khi hai quý cuối năm phải tăng đến 9% so với cùng kỳ.
Theo ông, cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.
Ông Thành dự báo, nếu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt khoảng 5,5-5,8%.
Chủ tịch Quốc hội: Cần “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát. Những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”.
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.
Tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau đại dịch Covid-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn. Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng.
Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.
“Diễn đàn thống nhất và nhấn mạnh rằng, cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông, tại Diễn đàn, nhiều gợi ý chính sách quan trọng, thiết thực được đưa ra. Theo đó, về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu: thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.
Bên cạnh đó còn có gợi ý chính sách về tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân, áp dụng những công nghệ và ý tưởng mới, tạo động lực mới. Cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.
Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề thủ tục hành chính, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn (đặc biệt là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn) và lao động.
Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý….