Liệu sẽ có những diễn tiến mới nào trong tranh chấp Biển Đông năm 2017? Dưới đây là một số dự báo của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Có thể nói, dấu mốc mang tính bước ngoặt trong tranh chấp Biển Đông năm 2016 là phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông năm 2016 cũng đã bị tác động bởi sự điều chỉnh chính sách của Philippines sau khi ông Duterte được bầu làm Tổng thống của Philippines.
Những diễn biến trên thực địa tại Biển Đông năm 2016 tuy không quá ồn ào, thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng lại đang tạo ra một sự thay đổi lớn tác động tới cục diện chính trị khu vực.
Liệu sẽ có những diễn tiến mới nào trong tranh chấp Biển Đông năm 2017? Dưới đây là một số dự báo của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương: Năm thăm dò, chuẩn bị cho các năm 2018, 2019 có những thay đổi khác
Chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Philippines Duterte về nguyên tắc không ảnh hưởng đến giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài. Phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính khách quan, quốc tế và theo đúng luật pháp quốc tế. Cho nên, dù chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte như thế nào đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến giá trị của phán quyết.
Vấn đề là ở chỗ, chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào đến các bên trong việc tuân thủ phán quyết và hiện thực hóa phán quyết Biển Đông. Chứ còn giá trị phán quyết thì không thay đổi.
Tranh chấp Biển Đông hiện nay đang ở trong trạng thái 5 nước, 6 bên. Về mặt khoa học, đây là một mạng lưới có 6 nút thắt. Khi một nút thắt chuyển động, chắc chắn sẽ rung chuyển các nút khác. Và như vậy, khi chính sách của Philippines có điều chỉnh theo hướng khác, chắc chắn rung chuyển đến các nước khác cũng phải điều chỉnh. Trong các điều chỉnh như vậy, cũng không loại trừ sự điều chỉnh như bạn nói là sẽ có một sự hợp tác mới tốt hơn, thuận lợi hơn và có nhiều khả năng hiện thực hơn. Chúng ta không loại trừ điều này. Khi Philippines điều chỉnh thì buộc các nước khác phải điều chỉnh theo.
Năm 2017, Trung Quốc chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIX, ngày 20/1/2017, Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức và thực thi nhiệm vụ của mình. Năm 2017 cũng là năm Philippines làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Tôi cho rằng năm 2017, Trung Quốc sẽ tập trung mọi vấn đề cơ bản để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIX. Năm 2017 là năm đầu tiên ông Donald Trump làm nhiệm vụ Tổng thống và có lẽ ông Trump cũng đang thăm dò là chủ yếu. Và với tư cách dẫn dắt ASEAN của Tổng thống Duterte cũng như vậy. Tôi nghĩ rằng, năm 2017 sẽ là một năm mang tính thăm dò và sẽ chưa có những biến động gì đặc biệt theo cả hai chiều thuận - nghịch.
Theo dự toán của tôi thì năm 2017, trên Biển Đông cũng sẽ không có những diễn biến đột xuất xấu hơn. Ngược lại, cũng chưa có những diễn biến tốt hơn năm 2016. Có thể nói, đây là năm thăm dò, chuẩn bị cho các năm 2018, 2019 có những thay đổi khác. Có thể dự báo như vậy.
Năm 2017 là năm đầu tiên ông Donald Trump làm nhiệm vụ Tổng thống và có lẽ ông Trump cũng đang thăm dò là chủ yếu. Và với tư cách dẫn dắt ASEAN của Tổng thống Duterte cũng như vậy. Ảnh: Rappler |
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Khả năng Trung Quốc sẽ có những động thái mới
Kể từ sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hồi tháng 7/2016, Bắc Kinh đã cố gắng kiềm chế các hành động của mình trên Biển Đông nhằm giảm bớt áp lực quốc tế đối với việc thực thi phán quyết.
Ngoài ra, do đã cơ bản xây dựng xong các đảo nhân tạo nên Bắc Kinh cần sự tĩnh lặng nhằm âm thầm quân sự hóa các vị trí này, tránh gây ra sự chú ý và chỉ trích từ quốc tế. Điều này ít nhiều tạo nên bầu không khí có vẻ lắng dịu trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đây nhiều khả năng chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn của Trung Quốc, phù hợp với mẫu hình của chiến lược "lát cắt salami" mà nước này theo đuổi lâu nay. "Lát cắt salami" là chiến lược chiếm dần từng đảo đến khi đoạt toàn bộ Biển Đông. Theo mô hình này, "thời kỳ căng thẳng dâng cao thường được kế tiếp bằng một giai đoạn lắng dịu trước khi bước vào một đợt căng thẳng mới".
Trong năm 2017, có khả năng Trung Quốc sẽ có những động thái mới nhằm củng cố các yêu sách của mình. Kịch bản này càng nhiều khả năng diễn ra hơn nếu Bắc Kinh nhìn nhận các động thái của chính quyền mới của Mỹ mang tính thù địch và thách thức lợi ích của nước này trên Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao: Năm 2017, nhiều khả năng trọng tâm sẽ là COC
Năm 2017 sẽ là một năm biến động và khó lường của thế giới. Hiện nay nhiều nhà hoạch định chính sách kể cả ở Việt Nam, trên thế giới và trong khu vực chưa ai đo được những diễn biến sẽ xảy ra trong năm tới. Ví dụ như Mỹ, với chính quyền mới của ông Donald Trump, ông ấy sẽ đi được đến đâu trong vấn đề Biển Đông, liệu có duy trì được cam kết mạnh mẽ như dưới thời ông Obama hay không và đến mức nào, thì chưa có ai biết được.
Năm 2017, tôi cho rằng Trung Quốc đã cam kết rất rõ và họ sẽ đẩy mạnh COC. Sang năm, Trung Quốc có Đại hội 19 nên có thể họ sẽ tránh gây ra những gì ồn ào, ầm ĩ dẫn đến chỉ trích trên thực địa.
Trước đây ASEAN muốn dùng chính COC để ràng buộc Trung Quốc thì hiện nay có nguy cơ Trung Quốc sẽ dùng chính COC để ràng buộc ASEAN theo những điều khoản mà Trung Quốc mong muốn và họ sẽ dùng điều này để lấn át ASEAN. Vừa rồi tại Siem Reap, Trung Quốc đã mở một tọa đàm với các nước ASEAN để bàn về COC. Năm 2017, nhiều khả năng trọng tâm sẽ là COC nhưng để COC là công cụ của ASEAN và có tác dụng cho ASEAN là một vấn đề khó cho các nhà ngoại giao.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á, Học viện Quốc phòng Australia: Từ chối tuân thủ Phán quyết PCA có thể khiến Trung Quốc ở vào thế đối đầu với các đại cường quốc biển
Phán quyết PCA chỉ liên quan đến Philippines và Trung Quốc. Nhưng Tòa trọng tài lại làm rõ định nghĩa pháp lý về một hòn đảo (có quyền hưởng lãnh hải 12 hải lý và một Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý), đá (chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý), và thực thể lúc nổi lúc chìm. Định nghĩa chi tiết của Tòa trọng tài có ứng dụng toàn cầu. Chiểu theo đó, tuyên bố của Nhật về đảo Okinotorishima hay của Mỹ về đảo Johnston đều có thể bị thách thức về mặt pháp lý.
Việc Trung Quốc từ chối tuân thủ Phán quyết PCA sẽ khiến cho nước này ở vào thế đối đầu với các đại cường quốc biển, nhất là Mỹ.
Mỹ có chương trình Tự do Hàng hải (FON) nhằm thách thức các tuyên bố hải phận quá đà. Mặc dù Mỹ chưa ký kết UNCLOS nhưng chính sách chính thức của Mỹ là tuân thủ UNCLOS như một phần trong thông lệ luật pháp quốc tế.
Việc Tòa trọng tài tại PCA bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc sẽ đồng nghĩa hải quân Mỹ có thể đi sát qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và kiểm soát (bất hợp pháp), bởi các thực thể đó được xếp vào nhóm nửa nổi nửa chìm.
Các chương trình tuần tra trong khuôn khổ FON của Mỹ có thể dẫn tới căng thẳng với Trung Quốc, chưa kể sự cố nguy hiểm đột biến.
Bất chấp việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết PCA, tất cả các cường quốc hàng hải lớn sẽ chấp nhận phán quyết này – nó sẽ trở thành một án lệ và có ảnh hưởng lên tất cả các vụ kiện sau này liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trên toàn thế giới. Nếu các cường quốc không tuân thủ thì họ sẽ phá hoại chính cái trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà chính họ ủng hộ.
Tiến sĩ Zach Abuza, Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ: Một năm khó đoán định về vấn đề Biển Đông
Năm 2016 quả là một năm thế cuộc giằng co về tình hình Biển Đông. Nó bắt đầu bằng việc Trung Quốc ngày càng bị cô lập do các hành động và chiến thuật hung hăng của nước này trong khu vực, trong đó cực điểm chính là phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7.
Phán quyết của Tòa trọng tài đã vô hiệu hóa đường chín đoạn của Trung Quốc, cũng như khẳng định những thực thể mà nước này có yêu sách chủ quyền ở Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế. Điều đó có nghĩa là vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển của những quốc gia như Philippines và Việt Nam là có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, năm tháng còn lại của năm 2016 chứng kiến kết quả tốt đẹp trên bị xóa nhòa. Đầu tiên, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã “cất vào tủ” phán quyết của Tòa trọng tài với hi vọng làm nồng ấm quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh. Rồi sau đó ông Duterte đưa ra những tuyên bố hủy hoại mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ, cũng như gây khó khăn cho các hoạt động bảo đảm an ninh hàng hải (FONOPs) của Mỹ trong vùng biển của Philippines ở Biển Đông.
Ông Duterte còn đe dọa hủy Hiệp định lực lượng thăm viếng (VFA), bật đèn xanh cho Trung Quốc, ngỏ ý muốn mua các loại vũ khí và các thiết bị quân dụng của nước này. Tuần trước, Manila nhận số tiền trợ cấp 14 triệu USD từ Bắc Kinh. Tổng thống Duterte và Ngoại trưởng Philippines Yasay cùng tuyên bố không muốn thách thức các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc, hay các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên những đảo này.
Trung Quốc đã cố gắng lôi kéo nhiều nước trong khu vực ASEAN. Thông qua các nỗ lực của mình, Trung Quốc đã thành công trong việc bảo đảm ASEAN không thể và không muốn tạo ra một phản ứng đa phương, hoặc thậm chí thách thức những yêu sách của Trung Quốc trong các diễn đàn ngoại giao.
Ngoài ra, việc Trung Quốc gây sức ép với Singapore bằng cách thu giữ lô chín xe thiết giáp chở quân (APC) ở Hong Kong vừa rồi rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang phản ứng dữ dội việc các nước khác, trong đó có Mỹ, bán vũ khí cho Đài Loan.
Nếu không có một nước Mỹ cam kết và có chính sách nhất quán đằng sau, rất khó để nhìn thấy các nước ASEAN ngồi lại cùng nhau về vấn đề Biển Đông.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua với chiến thắng của ông Donald Trump, một doanh nhân có tài thỏa thuận kinh doanh hơn là vốn chính trị và có những quyết sách rất khó đoán định.
Vì tất cả các yếu tố trên, năm 2017 được dự đoán là một năm khó đoán định về vấn đề Biển Đông.
Sỹ Tuấn - Thu Hà (tổng hợp)