Điều quan trọng hơn cả khi áp dụng hình thức kỉ luật tích cực với các con là con tự ý thức được việc mình làm đúng hay sai để không hình thành các thói quen xấu về sau.
Chuyên gia tư vấn giáo dục sớm Bùi Mai Ngọc cho rằng việc các con nghịch ngợm, không nghe lời là chuyện thường tình. Khi ấy, phụ huynh cần biết cách kỉ luật để con chấm dứt hành động của mình. Kỉ luật bằng quát mắng, đánh con có thể mang lại hiệu quả tức thì nhưng lại dễ làm tổn thương cả mẹ, cả con và cả môi trường xung quanh. Chính vì vậy nên chọn một hình thức kỉ luật tích cực để đảm bảo sự an toàn và tôn trọng tất cả.
Chị Mai Ngọc tâm sự, khi con có điều gì đó khiến mình không hài lòng, các bố mẹ hãy khoan nghĩ đến việc thay đổi con. Việc cần làm đó là hiểu con, cần phải thực sự hiểu tính cách của con là gì. Tính cách là cơ sở sinh học tạo ra sự khác biệt cá nhân trong các hành vi và cách ứng xử, thuộc vào bẩm sinh nằm ngoài mong muốn và ý chí của bố mẹ. Ngay từ khi sinh ra, các con đã sở hữu tính cách khác nhau.
Trẻ con không phải tất cả sinh ra đều ngoan ngoãn, nghe lời. Có những đứa trẻ rất dễ tính, vui vẻ và cũng có những đứa trẻ cực mẫn cảm, cáu gắt, có đứa trẻ thích ngồi một chỗ làm việc và cũng có những đứa trẻ suốt ngày chạy nhảy leo trèo… Một đứa trẻ có thể khóc thét lên khi gặp người lạ đến chơi. Một đứa trẻ khác có thể trốn đi. Đứa trẻ khác nữa thì lại đứng ra một góc yên lặng quan sát người khách đó, cho đến khi khách về mới chào. Đứa trẻ thứ 4 có thể tỏ ra quan tâm thích thú, sà đến chơi cùng người khách lạ.
Tính khí của hai đứa trẻ đầu là nhạy cảm, dè dặt. Tính khí của đứa trẻ thứ 3 là có thể thích nghi nhưng cần thời gian. Tính khí của đứa trẻ thứ 4 là dễ thích nghi và dạn dĩ.
Nguyên tắc chung của cách kỉ luật này là trẻ con cảm thấy không bị tổn thương – người lớn vui vẻ - đồ vật/môi trường không bị phá hoại/ảnh hưởng (Ảnh: Chị Như Ngọc và con trai Thái Dương). |
Một số trẻ lại kết hợp của vài tính khí trên, đôi khi thấy ngại ngùng xấu hổ nhưng đôi khi lại hăng hái, nhanh chóng hòa nhập. Thậm chí có những đứa trẻ lại thích phá ngang khi bố mẹ có khách đến chơi nhà. Những đứa trẻ này còn thích bắt nạt người khác, đá đấm, chạy lòng vòng, leo trèo suốt ngày luôn chân luôn tay. Đây là những trẻ tính khí năng động, năng lượng cao. Biết đâu chúng có thể lại là những nhà lãnh đạo tương lai nếu bố mẹ biết định hướng và chuyển hóa nguồn năng lượng này trở nên tích cực hơn…
Tiếp sau đó, cần tìm hiểu xem hành vi của con chính đáng hay không chính đáng. Có thể khi con đang làm một việc gì đó và bị người khác xen ngang, con sẽ nổi cáu, ăn vạ, khóc lóc… Khoan hãy mắng mỏ, kỉ luật con, nên tìm hiểu xem động cơ con làm việc đó là gì.
Những việc mẹ cần cân nhắc trước khi quyết định kỷ luật tích cực đối với con
Trong trường hợp buộc phải kỉ luật con, thay vì kỉ luật bằng những hình thức tiêu cực như chửi mắng, đánh con, hãy chọn hình thức kỉ luật tích cực nhất. Nguyên tắc chung của cách kỉ luật này là trẻ con cảm thấy không bị tổn thương – người lớn vui vẻ - đồ vật/môi trường không bị phá hoại/ảnh hưởng.
Khi con phạm phải một sai lầm nào đó, nếu kệ cho con muốn làm gì thì làm, mẹ và đồ vật/môi trường sẽ bị ảnh hưởng không tốt, bản thân con thì hình thành thói quen xấu.
Nếu mẹ bắt ép con dừng lại, mắng con, con sẽ buồn, còn có thể nảy sinh hành động tiêu cực là quăng đồ, ném đồ, đập phá đồ đạc.
Nếu hai mẹ con cùng vui nhưng đồ đạc lại bị hỏng, môi trường bị ảnh hưởng thì cũng không tốt.
Vì vậy, khi kỉ luật con, cần cả 3 yếu tố trẻ em - người lớn - môi trường/đồ vật đều được tôn trọng, an toàn. Đó mới là kỉ luật tích cực.
Việc gì bé làm đều phải xét xem nó có an toàn với bé không, có an toàn với người xung quanh không, và có an toàn với môi trường/đồ vật không. Bé thích ném đồ là chính đáng, nhưng chỉ cho phép bé ném đồ hợp lý. Đồ để ném, địa điểm ném cần đảm bảo an toàn. Bé sẽ được tự do nếu bé đảm bảo được là tôn trọng đồ đạc và tôn trọng mọi người.
Với nhiều bé khi bị ngăn cản việc đang làm, bé sẽ khóc lóc, ăn vạ. Khi ấy, điều mẹ cần làm là ngồi xuống, nhìn vào mắt con và nói: “Mẹ biết, con đang rất bực bội. Mẹ thông cảm với con. Nhưng mẹ xin lỗi, mẹ không thể đáp ứng con được. Mẹ luôn ở đây bên con. Con cứ khóc cho thoải mái đi”. Khi mẹ ngồi với bé như thế là bé được chia sẻ, được an ủi và nỗi tức giận sẽ nguôi ngoai dần đi.
Một số ví dụ về cách kỉ luật con tích cực:
1. Thái Dương thấy túi đựng đồ của mẹ, liền lôi ra chơi. Trong tình huống này mẹ nói với bạn: "Con vui lòng tôn trọng đồ cá nhân của mẹ nhé. Nếu con muốn lấy thứ gì, xin vui lòng hỏi ý kiến của mẹ!".
Tất nhiên sau đó mình không giằng lấy cất đồ đi, mà biến luôn thành trò chơi đếm đồ: "Chúng ta cùng đếm và cất vào túi nhé!".
Con rất thích thú đếm đi đếm lại cùng mẹ mấy lần và tự nguyện cất đồ về vị trí cũ.
Sau đó mẹ ghi nhận: "Ồ con đã cất đồ! Mẹ thấy con tiến bộ đấy!".
Áp dụng công thức mẹ - con – môi trường (đồ vật) vào giáo dục con cực kỳ hữu hiệu.
Trường hợp này, hai mẹ con cùng vui vẻ. Con thoả mãn được trí tò mò và học thêm bài học đếm. Mẹ cũng tận hưởng niềm vui khi chơi cùng con. Đồ dùng được tôn trọng, không bị quăng ném.
Kỷ luật tích cực sẽ có nhiều cách thức nhưng mục đích cuối cùng đó là đảm bảo trẻ em - người lớn - môi trường không ai bị tổn thương.
2. Em bé thích nhổ nước bọt, chúng ta sẽ không cấm con nhổ, nhưng ta qui định chỉ được phép nhổ trong nhà vệ sinh và dội nước cho sạch sẽ. Môi trường bên ngoài không bị bẩn, người lớn cũng không bị ảnh hưởng mà đứa trẻ thoả mãn được nhu cầu của con.
3. Em bé chạy loăng quăng ném bóng trong nhà mình sợ vỡ đồ, thì mình mời con ra ngoài sân ném bóng, yêu cầu ném vào chỗ nào an toàn.
4. Con thích dẫm lên đồ thì mình thiết kế mấy viên gạch hoặc đơn giản là mấy miếng bìa các tông rồi cho con chạy dẫm lên đó. Trò chơi thú vị này sẽ khiến con không quan tâm đến việc dẫm đạp lên đồ đạc nữa.
(Theo Afamily.vn)