Ngày 25/9, Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Tham dự có đại diện các các hiệp hội, tổ chức kinh doanh và sự hiện diện của hơn 200 doanh nghiệp tại Bình Định và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Giải “bài toán” tận dụng thương mại điện tử để đưa sản phẩm bay xa

bà Lê Hoàng Oanh.jpg

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại. Ảnh: A.N

Phát biểu khai mạc, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhanh và năng động nhất trên thế giới.

TMĐT đang phát triển nhanh nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế như khoảng cách phát triển giữa các địa phương không đồng đều, sản phẩm thương mại điện tử của các địa phương nhiều khi trùng lắp và cạnh tranh lẫn nhau.

Để phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại này, đồng thời khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT là tất yếu và là chủ trương lớn của Chính phủ hiện nay.

Theo bà Oanh, trong số các vùng trong cả nước, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là địa bàn đặc biệt quan trọng. Các tỉnh trong khu vực này có chung bờ biển, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước.

Các địa phương trong vùng đều nổi tiếng với các sản phẩm chủ lực như: Hải sản chế biến, đồ khô, mắm, yến, các sản phẩm từ đồ gỗ... Do đó, bài toán đặt ra là làm sao để các địa phương đều tận dụng TMĐT để đưa các sản phẩm chủ lực ra thị trường tiêu thụ cả nước và quốc tế, mà không cạnh tranh lẫn nhau.

"Sự kiện lần này mở ra cơ hội kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và lợi ích chung cho toàn vùng. Tôi rất mong các diễn giả, chuyên gia sẽ tập trung chia sẻ, cung cấp những giải pháp mới, hữu ích, phù hợp với Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nhằm đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả…”, bà Oanh nói.

Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định thông tin, thời gian qua, nhiều lĩnh vực trong đó TMĐT đang tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

lienketvung.jpg
Ông Võ Văn Khanh, Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT khu vực miền Trung - Tây Nguyên chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: T.D

Năm 2024, chỉ số TMĐT của Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 2 bậc so với năm 2023 và xếp thứ 6/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Giao dịch thanh toán không tiền mặt tại tỉnh này trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 600.348,8 tỷ đồng. Hạ tầng logistic hỗ trợ TMĐT ngày càng được quan tâm phát triển, các đơn vị chuyển phát ngày càng tăng về quy mô và số lượng…

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm khoảng 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đề xuất phối hợp các đơn vị có chuyên môn trên cả nước tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn TMĐT. Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…

Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý thuế

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) cho rằng, sự phát triển bùng nổ của TMĐT tại Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng đã mang lại những cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức lớn cho công tác quản lý thuế đối với TMĐT, đặc biệt là trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh.

Do đó, để đảm bảo thu ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cơ quan thuế cần triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế phù hợp với đặc thù của TMĐT.

Theo bà Anh, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý thuế, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức.

Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu, nộp thuế đặc biệt đối với nhóm người nộp thuế là HKD, CNKD theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo hình thức điện tử.

lienketvung1.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: T.D

Bàn về giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại Bình Định và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, ông Nguyễn An Sơn - Cục TMĐT và KTS (Bộ Công Thương) đề xuất, cần hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước; tăng cường giám sát thực thi.

Đồng thời cần quy hoạch hạ tầng logistics trong TMĐT, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và các giải pháp công nghệ. Bên cạnh đó, cần ứng dụng CNS đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vùng và đào tạo nguồn nhân lực,…

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT & KTS) đề xuất, các địa phương cùng chung tay xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi liên vùng, tạo đà cho việc phát triển TMĐT. Đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các nền tảng miễn phí thanh toán trực tuyến; Giảm chi phí vận chuyển, kho bãi; Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp bán hàng…

Nguyễn Nam - N.Hiền