Theo GS.TS Phạm Kiên Hữu, Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, chóng mặt là triệu chứng của rối loạn thăng bằng, do một số nguyên nhân gây nên. Tình trạng này được định nghĩa là một ảo giác về sự vận động, bản thân người bệnh cảm thấy như chính mình hay ngoại cảnh xung quanh đang vận động, xoay vòng hay nghiêng ngả, hoặc thấy như đang rơi từ trên cao xuống dù thực tế không có sự vận động nào.
Với một người bệnh than chóng mặt, bác sĩ cần phân biệt để loại trừ các trường hợp “chóng mặt tiền ngất”. Trong các trường hợp này, người bệnh không có một cảm giác nào bất thường về vận động hay di chuyển, chỉ thấy bị lả đi, choáng váng, tối sầm mắt như sắp ngất xỉu (trong tụt huyết áp, giảm đường huyết), hoặc như bị mất thăng bằng mà không do nguyên nhân tiền đình (trong các bệnh thần kinh như Parkinson, chứng mất điều hòa của tiểu não, hoặc khi có vấn đề xương khớp, tác dụng phụ của thuốc).
Hiếm khi chóng mặt có thể là triệu chứng của một vấn đề thần kinh nghiêm trọng hơn, như đột quỵ do nhồi máu não hay chảy máu não, đa xơ cứng…
Với trường hợp chóng mặt có nguồn gốc tiền đình, cần xác định do nguyên nhân ngoại biên hay trung ương. Nhiều bệnh khác nhau có thể ảnh hưởng đến tai trong hoặc hệ tiền đình, gây chóng mặt.
Độ dài thời gian từ lúc bắt đầu cơn chóng mặt đến lúc kết thúc có thể giúp chẩn đoán phân biệt.
- Các cơn chóng mặt ngắn (từ vài giây đến vài phút): Loại hay gặp nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Cơn chóng mặt nặng nhưng ngắn, xảy ra ngay lúc đổi tư thế đầu khi trở mình trên giường hoặc khi ngồi dậy buổi sáng; thường không rõ nguyên nhân và khỏi dần theo thời gian.
Chóng mặt kéo dài hàng phút có thể gặp trong cơn thiếu máu não thoáng qua.
- Các cơn chóng mặt dài trung bình (từ nửa giờ đến vài giờ): Hiếm gặp hơn và được cho là do tăng áp lực của dịch tai trong. Bệnh tăng dịch nội bạch huyết gây ra các cơn chóng mặt nghiêm trọng và kéo dài vài giờ, thường kèm theo nôn và có thể mở đầu bằng giảm thính lực, cảm thấy đầy trong tai và ù tai.
- Các cơn chóng mặt dài hơn (từ nhiều ngày đến nhiều tuần): Viêm mê nhĩ do nhiễm trùng tai trong hoặc viêm dây thần kinh tiền đình (thường do virus) có thể gây ra chóng mặt xoay tròn nghiêm trọng. Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột, kèm theo buồn nôn hoặc nôn và rối loạn thăng bằng, kéo dài từ vài ngày đến 2, 3 tuần.
Trong bệnh đau nửa đầu, thời gian chóng mặt rất thay đổi (từ vài giây đến vài ngày) và tỷ lệ gặp khá cao.
Lời khuyên cho người dễ bị chóng mặt, say tàu xe
- Cần hiểu rõ chóng mặt có thể làm mất thăng bằng, dễ té ngã dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.
- Ngồi hay nằm xuống ngay lập tức khi bắt đầu thấy chóng mặt.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nằm xuống ngồi lên từ từ, nhất là khi quay, xoay đầu.
- Bỏ hẳn hay giảm sử dụng những thứ không tốt cho tuần hoàn như thuốc lá, rượu, cà phê, muối. Uống đủ nước.
- Giảm tối đa các stress và tránh các chất dị ứng.
- Điều trị nhiễm trùng, nhiễm lạnh, cúm, xung huyết xoang và các nhiễm trùng hô hấp.
- Loại bỏ các thảm dày trải sàn và các dây điện gây vấp ngã. Đặt thảm chống trượt trong bồn tắm và sàn buồng tắm.
- Tránh lái xe hay vận hành các máy móc nặng nếu bị chóng mặt thường xuyên.
- Cầu thang hay lối đi lại phải được chiếu sáng tốt về đêm khi rời khỏi giường.
- Chống gậy khi đi lại cho vững, nếu cần.
Với người dễ bị say tàu xe:
- Không đọc sách/báo khi di chuyển.
- Tránh ngồi các ghế phía cuối xe.
- Không ngồi ở ghế nhìn ra sau.
- Không quan sát hay nói chuyện với một hành khách khác cũng bị say tàu xe.
- Tránh các mùi nặng, hôi thối và đồ gia vị hay các thức ăn béo ngay trước hay trong chuyến đi.
- Hỏi thầy thuốc về việc sử dụng các thuốc chống say tàu xe.