Theo Eurasiantimes, Nga dường như đã có sự chuẩn bị trước cho việc Mỹ gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine. Trước khi Mỹ công bố việc chuyển 31 xe tăng Abrams cho Kiev, Chính phủ Nga đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov (một chuyên gia về xe tăng) làm Tư lệnh chiến dịch quân sự đặc biệt.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự của Nga cũng nhanh chóng chỉ ra các điểm yếu của xe tăng Mỹ, đồng thời gợi ý cách hiệu quả nhất để hạ gục chúng.
Các chuyên gia quân sự Nga cho biết, xe tăng Abrams có khả năng phòng thủ tốt ở mặt trước, nhưng lớp giáp ở sườn và đuôi xe không chắc chắn bằng. Bên cạnh đó, các phiên bản Abrams được chuyển tới Ukraine cũng sẽ thiếu một số công nghệ bảo vệ "bí mật".
Theo hướng dẫn, điều đầu tiên mà các binh lính nên làm là dùng súng trường hay súng máy có độ chính xác cao để tấn công hệ thống dẫn đường và pháo chính của Abrams.
Tiếp theo, các binh sĩ sử dụng pháo cối để tấn công vào khoảng trống giữa thân xe và tháp pháo - khu vực không có giáp bảo vệ. Cuối cùng, tập trung hỏa lực vào hai bên sườn của xe tăng, khu vực này có thể bị xuyên thủng bởi các loại lựu pháo phổ thông.
Bên cạnh việc tấn công trực tiếp, các chuyên gia Nga cũng đề xuất chiến thuật sử dụng mìn để phục kích xe tăng của Mỹ. Vào năm 2003, một xe tăng Abrams đã bị hạ gục bởi mìn chống tăng và một quả đạn pháo 155mm ở Iraq. Tuy vậy, tỷ lệ thành công của phương án sử dụng mìn không cao, bởi các xe tăng Abrams được trang bị thiết bị quét mìn ra khỏi đường di chuyển.
Trong trường hợp phải tác chiến trong môi trường đô thị, các chuyên gia quân sự gợi ý việc sử dụng một đội hình phục kích từ nhiều hướng khác nhau. Sau khi xác định được mục tiêu, hãy sử dụng đạn chống tăng để bắn 5-6 phát vào tháp pháo, sườn và lưng của chiếc Abrams. Ngoài ra, cần bố trí thêm một đội bắn tỉa để hạ gục bộ binh yểm trợ cho xe tăng của đối thủ.