Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS), với mục tiêu GDP tăng trưởng ở mức 6,5 - 7%, định hướng chính sách cơ bản vẫn là duy trì chính sách kinh tế linh hoạt và nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính. Song song với đó là nỗ lực ổn định tỷ giá và thị trường tiền tệ, hỗ trợ tâm lý tích cực trên thị trường.
Mặt khác, việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ mang lại dòng vốn hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư, cả thụ động và chủ động, tạo động lực lớn cho thanh khoản và sự tăng trưởng bền vững. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân được kỳ vọng sẽ quay trở lại thị trường khi các kênh đầu tư khác bớt hấp hẫn hơn, mở ra cơ hội để thị trường bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới sau giai đoạn tích lũy trung hạn.
Năm 2025, các Ngân hàng Trung ương lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, đặc biệt là từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Điều này tạo điều kiện cho dòng vốn ngoại quay trở lại vào Việt Nam, trong khi chi phí vốn vẫn duy trì mức thấp giúp doanh nghiệp nội địa dễ dàng mở rộng sản xuất và đầu tư.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Hoàng, những nỗ lực hồi phục kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, sẽ hỗ trợ đáng kể các ngành như thép và xây dựng tại Việt Nam nhờ mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, các nhóm ngành xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc được kỳ vọng cũng sẽ hưởng lợi như thủy sản, cao su, nông sản, may mặc…
“Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đặt ra nhiều thách thức. Nếu Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để tăng xuất khẩu, tỷ giá Việt Nam có thể chịu áp lực, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và ổn định kinh tế vĩ mô”, vị chuyên gia nhận định.
Ở Việt Nam, Chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi thuế và tháo gỡ khó khăn pháp lý để hỗ trợ các ngành chứng khoán, bất động sản, đầu tư công... qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics, nhằm kích cầu ngắn hạn và giải quyết tình trạng thiếu hụt hạ tầng. Dự kiến vốn đầu tư công năm 2025 sẽ đạt 790 nghìn tỷ. Lạm phát dự báo duy trì ở mức 3,4 - 4%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Do đó, có thể chính phủ sẽ chấp nhận mức lạm phát cao hơn một chút để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn là mối lo trong năm 2025, đặc biệt khi chính sách của Tổng thống Donald Trump có thể gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu và khiến đồng USD mạnh lên”, vị chuyên gia nhận định.
Chỉ tiêu | 2023 | 2024 | 2025 | 2026-2023 | |
Sơ bộ | KH | Ước tính | KH | KH | |
Tốc độ tăng GDP | 5,05% | 7% | 6,8-7% | 6,5-7% | 7,8-8,5% |
GDP tăng bình quân đầu người (USD) | 4284 | 4.700-4.730 | 4.647 | 4.900 | 7.400-7.600 |
Tỷ trọng công nghiệp, chế biến, chế tạo trong GDP | 23,60% | 24,1 - 24,2% | 24,10% | 24,10% | 28-30% |
Tốc độ tăng chỉ sô tiêu dùng CPI | 3,25% | 4-4,5% | <4,5% | 1,50% | |
Bội chi ngân sách | 4,00% | 3,60% | 3,40% | 3,80% | <=5% |
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân | 3,65% | 4,8 - 5,3% | 5,56% | 5,3-5,4% | 6,5-7,5% |
Tỷ trọng lao động nông nghiệp/ tổng lao động | 26,94% | 26,50% | 26,50% | 25-26% | |
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị | 2,66% | <4% | <4% | <4% |
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: FiinPro (VFS tổng hợp)
Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi của MSCI hoặc FTSE Russell. Điều này được hỗ trợ bởi Luật chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ đầu năm 2025 với các quy định về thanh toán, bù trừ và cho phép Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thành lập công ty con để triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch T+2 mà không cần phải ký quỹ 100%, giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong việc nâng hạng thị trường.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, thị trường chứng khoán trong 2 năm qua khá ổn định với mức giá chưa tăng mạnh. Vì vậy, với việc các kênh đầu tư khác có xu hướng biến động ít hơn, cũng như khả năng chi trả cho các kênh đầu tư như vàng và bất động sản ngày càng thấp đi thì dòng tiền được kỳ vọng sẽ đổ vào thị trường chứng khoán, tạo động lực tăng trưởng cho thị trường này trong năm 2025.
VFS duy trì triển vọng tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm 2025. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng từ 14 - 17%, qua đó thúc đẩy định giá cổ phiếu.
“Mốc 1.300 điểm được xem là khả thi trong năm 2025, khi chỉ số PE fw dự báo sẽ tăng từ hơn 11 lần lên mức 13,5 lần, tương đương với mức trung bình lịch sử. Lợi nhuận đầu tư từ VN-Index dự báo có thể đạt từ 10 - 18%. Thanh khoản dự kiến tăng trưởng từ 15-20%, đạt mức 18-20 nghìn tỷ đồng, nhờ vào kỳ vọng nâng hạng thị trường, giao dịch T+0 và dòng tiền khối ngoại quay trở lại”, ông Nguyễn Minh Hoàng nói.
Tháng 7/2024, VFS triển khai chương trình “VFS Expert” - đồng hành các chuyên gia để gia tăng kiến thức đầu tư tài chính. Thông tin chi tiết về VFS Expert xem tại: https://vfsinvest.vfs.com.vn/home/VFSExpert |
(Nguồn: Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt)