Vào đầu tháng 10/2020, Zoho - tập đoàn công nghệ phát triển phần mềm hàng đầu thế giới đã công bố một lỗ hổng vô cùng nguy hiểm trên phần mềm giám sát máy chủ và ứng dụng MEAM (ManageEngine Application Manager) của hãng.

Lỗ hổng nghiêm trọng trên phần mềm MEAM được phát hiện có mức độ nguy hiểm gần như tuyệt đối 9.8/10 (đánh giá theo Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia NIST) và được gắn mã lỗi là “CVE-2020-15394”. 

{keywords}
Kỹ sư bảo mật Giang Tuấn Anh (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại VSEC.

Điều đặc biệt là người phát hiện ra lỗ hổng này là một chuyên gia bảo mật Việt Nam, anh Giang Tuấn Anh đang công tác tại Công ty cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC). Anh đã được tập đoàn Zoho vinh danh trên website tìm kiếm Bug Bounty của hãng.

Theo phân tích của các chuyên gia, lỗ hổng “CVE-2020-15394” cho phép hacker thực thi những câu lệnh SQL tùy ý mà không cần xác thực và lợi dụng một số “chức năng” của Postgresql (hệ quản trị cơ sở dữ liệu – PV) để thực thi lệnh hệ điều hành trái phép trên máy chủ, dẫn tới việc hacker chiếm quyền điều khiển cao nhất với máy chủ, bao gồm quyền system trên Windows và quyền root trên Linux.

Do có nhiệm vụ giám sát nên phần mềm ManageEngine Application Manager – MEAM chứa rất nhiều dữ liệu nhạy cảm như thông tin đăng nhập của các thiết bị được giám sát, SSH key… Chính vì thế, khi hacker chiếm được quyền trên phần mềm MEAM, chúng hoàn toàn có thể chiếm quyền điều khiển các thiết bị, máy chủ khác trong hệ thống mạng.

Chuyên gia bảo mật Giang Tuấn Anh chia sẻ: “Do tính chất phức tạp của MEAM nên việc debug tốn rất nhiều thời gian, nhất là phần tìm cách bỏ qua xác thực nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được và xâu chuỗi các lỗ hổng riêng lẻ thành lỗ hổng có tác động cao”. 

MEAM là một trong những phần mềm giám sát máy chủ và ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, 70% ngân hàng và hơn 500 khách hàng là doanh nghiệp vừa và lớn của các ngân hàng này sử dụng phần mềm này.

Việc phát hiện ra lỗi “CVE-2020-15394” trên phần mềm MEAM giúp cho hàng nghìn doanh nghiệp tránh khỏi nguy cơ bị tấn công và đánh cắp thông tin, dữ liệu. Hãng Zoho đã tiến hành vá lỗ hổng trong phiên bản 14750 trở lên. 

{keywords}
 Chuyên gia VSEC Giang Tuấn Anh là một trong số ít các kỹ sư bảo mật Việt Nam sở hữu 3 chứng chỉ quốc tế uy tín trong lĩnh vực an toàn thông tin gồm OSCE, OSCP, OSWE.

Chuyên gia VSEC Giang Tuấn Anh là một trong số ít các kỹ sư bảo mật Việt Nam sở hữu 3 chứng chỉ quốc tế uy tín trong lĩnh vực an toàn thông tin gồm OSCE, OSCP, OSWE. Anh cũng là thành viên nòng cốt của nhóm triển khai VSEC VADAR - Dịch vụ giám sát an toàn thông tin toàn diện dành cho doanh nghiệp.

Giang Tuấn Anh hiện giữ vị trí Trưởng phòng Dịch vụ chuyên gia tại công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC). Đã có hơn 10 năm hoạt động trong ngành bảo mật, đơn vị uy tín này tin rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang khu vực và thế giới trong lĩnh vực an toàn thông tin. 

Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt hồi đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.

Các chuyên gia an ninh mạng cũng nhiều lần nhấn mạnh, nguồn nhân lực, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Thời gian qua, bảng xếp hạng toàn cầu về Chỉ số an toàn thông tin mạng (GCI) do Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) đánh giá đã cho thấy, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50. 

Cùng với đó, Việt Nam cũng được đánh giá về tỷ lệ lây nhiễm mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Mạng lưới đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin với sự tham gia rộng khắp của gần 200 cơ quan, tổ chức tại Việt Nam, đặt dưới sự điều phối chung, thống nhất của Trung tâm VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin.

Đặc biệt, Việt Nam có những chuyên gia hàng đầu thế giới đang làm ở trong nước và nước ngoài. Các chuyên gia Việt Nam đã liên tục phát hiện ra lỗ hổng bảo mật trên nhiều sản phẩm lớn, tác động đến hàng trăm ngàn thiết bị và hàng chục triệu người dùng toàn cầu.

Đơn cử như, các chuyên gia của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã phát hiện ra lỗ hổng có mã “CVE-2020-1319” trên Windows; phát hiện một số lỗ hổng bảo mật cho phép hacker tấn công sâu, leo thang, kiểm soát hệ thống của Ủy ban châu Âu; phát hiện lỗ hổng bảo mật trên nền tảng thương mại điện tử lớn của Alibaba; phát hiện 8 lỗ hổng 0-Day trong các thiết bị định tuyến D-link…

M.T

“An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử”

“An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử”

ictnews Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT xác định rõ điều kiện đầu tiên, tiên quyết trong phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử là đảm bảo an toàn, an ninh mạng.