Trải qua thời gian dài nhưng khu mộ của Hội đồng Suông vẫn còn giữ nét đẹp cổ kính và khang trang. Điều này cho thấy sự giàu có một thời của ông Hội đồng Suông. Khu lăng mộ có kiến trúc độc đáo, mô phỏng "thiên đình, địa cung, thủy cung".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (62 tuổi) - cháu đời thứ ba của Hội Đồng Suông, người chăm lo hương khói cho lăng mộ bộc bạch, từ nhỏ ông đã được nghe kể lại những câu chuyện về tổ tiên mình.
Ông Hùng kể, ông Hà Mỹ Suông (hay còn gọi là Hội đồng Suông) là người giàu có ở xứ Rạch Giá. Sinh thời, ông Hội đồng Suông không có con nên nhận nuôi người con của chị gái thứ hai là Thiềm Sơn. Không phải con ruột, nhưng Thiềm Sơn coi ông Hội đồng Suông như cha ruột của mình.
Năm 1936, ông Hội đồng Suông bắt đầu xây dựng lăng mộ cho gia tộc. Hơn 100 người thợ tài hoa khắp nơi được thuê đến làm công trình đồ sộ này. Song, khu lăng mộ xây dựng chưa được bao lâu thì Hội đồng Suông qua đời, để lại toàn bộ gia sản cho ông Thiềm Sơn.
“Tiếp nối di nguyện của cha, ông Thiềm Sơn cố gắng hoàn thành những hạng mục còn dở dang của khu lăng mộ. Đến đời con cháu sau này đều thay phiên nhau giữ gìn, hương khói khu lăng mộ của gia tộc”, ông Nguyễn Mạnh Hùng kể.
Tổng thể khu mộ có diện tích gần 1.000m2, được thiết kế và xây dựng hết sức công phu, gồm: khu mộ; khu hòn non bộ thiên cung và thủy cung; long đình; cung Ngọc Hoàng; địa cung. Trong gia phả ghi rõ, những khối đá nặng cả tấn được mua tận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và được vận chuyển theo đường biển, còn đá cẩm thạch được mua từ nước ngoài về xây dựng. Đá cẩm thạch có 4 màu trắng, xám, hồng nhạt và hồng đậm.
“Khi bước vào cổng phía Đông có hòn non bộ đại diện cho thủy cung, ở giữa là ngôi mộ cha mẹ của ông Hội đồng Suông, phía Tây là thiên cung.
Vào trong là long đình nơi thờ hài cốt 9 đời tổ tiên. Sau đó là cung đình, phía dưới cung đình là địa phủ treo những bức tranh bích họa về 18 tầng địa ngục, nhưng đa số bị mất cắp và mối mọt gây hư hỏng nhiều”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, căn hầm nơi địa cung của khu lăng mộ còn là một di tích lịch sử quan trọng. Nơi đây từng là căn cứ của cán bộ cách mạng trong thời kì kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Còn phía sau ngôi nhà thờ tổ, hàng trăm nhân công đã đào 2 công đất, sâu tới 10m để đắp một quả đồi thế "tựa sơn hướng thủy".
Ông Hùng lý giải việc xây dựng khu mộ này là để con cái đền đáp công ơn ông bà, dạy dỗ con cháu đời sau hiếu kính cha mẹ, nhớ cội nguồn. Trong đó có tấm bảng in dòng chữ “Hiếu nghĩa tri tiên” được treo trang trọng ở cung Ngọc Hoàng, với ý nghĩa nhắc nhớ con cháu sự hiếu hạnh.
Trước câu chuyện về “lăng mộ 3.000 lượng vàng” được lan truyền, ông Hùng cười nói, nhiều năm trước có một đoàn khách gồm chuyên gia khảo cổ, kiến trúc sư, kỹ sư,… ở Hà Nội tìm đến tham quan. Sau khi khảo sát, họ đánh giá chất liệu xây dựng khu lăng mộ này hiếm và thẩm định giá trị khu lăng mộ lên đến 3.000 lượng vàng. Từ đó chuyện “lăng mộ 3000 lượng vàng” được lan truyền cho đến nay.
Năm 1998, lăng mộ Hội đồng Suông đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Kiên Giang. Mỗi năm, nơi đây thu hút rất đông nhà sử học trẻ, du khách từ khắp các tỉnh, thành về tham quan, chiêm ngưỡng.