Chuyện kỳ bí về loài rắn ba mào cuộn tròn trong ngôi đền thiêng ở Phú Thọ
Đền Nhà Bà (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân bản địa. Đến nay, các thế hệ vẫn truyền tai nhau những chuyện kỳ bí về ngôi đền, trong đó có hình ảnh rắn ba mào cuộn tròn trong gian thờ.
Đền Nhà Bà tọa lạc tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ). Ngôi đền thờ Đức Thánh Mẫu và hai cô (tương truyền là hai nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã có công trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc và bảo vệ đất nước). Ngôi đền nhìn từ trên cao được phủ xanh bóng mát từ những gốc cây cổ thụ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo tài liệu do Ban quản lý đền Nhà Bà lưu lại cho thấy, ngôi đền là nơi thờ tự linh thiêng, được xây dựng từ những năm 40. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Trần Trọng Thủy - Trưởng Ban quản lý đền Nhà Bà cho biết, trong một trận chiến chống quân xâm lược, hai vị nữ tướng đã hy sinh và gieo mình xuống sông Hồng. Người dân địa phương đã đưa thi thể hai vị nữ tướng lên và chôn cất, lập đền thờ ở Gềnh Lời, ngay trên bờ sông Hồng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngôi đền thiêng thường được người dân truyền tai nhau câu chuyện kỳ bí về loài rắn ba mào. Cụ thể, từ xa xưa, có nhiều người tới đền làm lễ đã chứng kiến hình ảnh con rắn khổng lồ, có ba mào ở trên đầu và nằm cuộn tròn trên ban thờ. Sau nhiều thế hệ, chuyện loài rắn xuất hiện đã gắn với ngôi đền thiêng như một phần không tách rời. Người dân sau này gắn linh vật rắn ba mào ở khu vực chính điện để thờ cúng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đền Nhà Bà nằm ven sông Hồng. Tương truyền, nơi đây nước sông chảy xiết, tàu bè của quân xâm lược đi qua đều bị chìm. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đền Nhà Bà từng là nơi tập kết của bộ đội và dân quân trên địa bàn xã Vĩnh Lại. Ngày nay, sông Hồng chảy qua khu vực đền Nhà Bà tấp nập tàu thuyền hoạt động. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo ông Trần Trọng Thủy, trong suốt thời gian dài quản lý đền, ông đã chứng kiến không ít người dân đến xin con, xin lộc sau đó quay lại báo tin vui. Bên cạnh đó, ngôi đền còn gắn với nhiều câu chuyện huyền bí mà đến nay chưa có lời giải. Cụ thể, giai đoạn 1976-1978, địa phương có chủ trương di dời đền đến vị trí mới, nhưng sau khi tháo dỡ và đưa các vật dụng của đền lên xe bò, con bò cứ đi được vài bước lại quỳ xuống. Vì vậy, người dân địa phương đã góp công, góp sức xây dựng lại đền Nhà Bà ở đúng vị trí trước. Ảnh: Lê Anh Dũng
Gốc cây si cổ trong khuôn viên đền Nhà Bà chứng kiến những thăng trầm của ngôi đền. Những gốc cây trong đền cũng gắn với câu chuyện kỳ lạ khi người dân truyền tai nhau điều cấm kị không được mắc võng nằm dưới tán cây. Một vị cao niên trong xã Vĩnh Lại chia sẻ: Lúc còn nhỏ, ông cùng bạn bè đồng trang lứa chăn trâu ở quanh đền và mắc võng nằm. Lúc về nhà, có người bị đau bụng, người ngã đau tay mà không rõ nguyên nhân. Khi tới đền thắp hương xin, ngẫu nhiên khỏi bệnh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Một chuyện kỳ lạ khác gắn với chiếc mâm đồng cổ được lưu lại trong đền Nhà Bà. Giai đoạn 1976-1978, có một người dân tùy tiện mang mâm cổ về nhà để sử dụng, được một thời gian ngắn thì trong nhà gặp nhiều điều không may mắn. Sau đó, người này soạn lễ, thắp hương và hoàn trả lại mâm đồng thì cuộc sống gia đình bất ngờ trở lại bình thường. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trong quá khứ, ngôi đền từng xuống cấp nghiêm trọng và được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng, tôn tạo vào năm 2022. Sau khi tôn tạo, ngôi đền đã trở thành không gian văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân quanh vùng. Trưởng Ban quản lý đền Nhà Bà Trần Trọng Thủy cho biết những câu chuyện huyền bí về ngôi đền đã được truyền tai nhau qua nhiều thế hệ. Với việc ngôi đền thờ người có công trong đánh giặc cứu nước thì việc chủ động gìn giữ ngôi đền còn là cách giáo dục thế hệ sau về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Gốc cây có dáng vẻ bề thế, to lớn khiến nhiều người đi qua đây cảm thấy tò mò.
Người dân thôn Hoà Lạc, xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc không rõ cây bồ đề cổ thụ xuất hiện từ bao giờ, nhưng dáng vẻ cổ kính, uy nghi của cây đã trở nên thân thuộc trong tâm trí mỗi người nơi đây.