Hợp chủng quốc Kailasa do Nithyananda Paramashivam, một người Ấn Độ lưu vong tự xưng là “thần” sáng lập và được tuyên bố là “quốc gia có chủ quyền đầu tiên của người theo đạo Hindu”. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp khó khăn khi cố gắng xác định vị trí của “đất nước” này trên bất kỳ bản đồ nào, không phải vì kích thước mà vì không ai biết nó thực sự ở đâu.
Theo trang Oddity Central, năm 2019, khi Nithyananda tuyên bố thành lập Hợp chủng quốc Kailasa, ông ta nói đã mua một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Ecuador để làm trụ sở chính. Song, chính phủ của quốc gia Nam Mỹ đã phủ nhận mọi thông tin về bất kỳ giao dịch nào như vậy.
Nithyananda, nhân vật được những người tin theo gọi là “giáo hoàng tối cao của Ấn Độ giáo”, cũng có một quá khứ khá phức tạp. Một nữ đệ tử tố cáo đã bị Nithyananda cưỡng hiếp vào năm 2010, nhưng ông ta chỉ bị bắt giữ một thời gian ngắn, rồi được tại ngoại. Sau đó, ông ta bị buộc tội bắt cóc và giam giữ trẻ em trái phép tại đạo tràng của mình ở Gujarat, Ấn Độ. Nhưng vài ngày trước khi phải hầu tòa, Nithyananda đã bỏ trốn và biến mất kể từ đó.
Nithyananda không lộ diện trước công chúng trong 4 năm qua, nhưng ông ta thường xuyên đăng tải các video bài giảng của mình trên nhiều kênh truyền thông xã hội. Những người tin theo ông ta cũng thúc đẩy ý tưởng về Kailasa là “một quốc gia của 2 tỷ người theo đạo Hindu và dành cho những tín đồ là nạn nhân của sự đàn áp, giống như người sáng lập nó”.
Mặc dù đất nước hư cấu đã xuất hiện cách đây vài năm, nhưng cái tên Hợp chủng quốc Kailasa mới bắt đầu thu hút sự chú ý quốc tế năm nay sau khi đại diện của nó tìm được cách tham dự 2 hội nghị của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Trang The News Minute đưa tin, hồi cuối tháng 2, một phụ nữ tự giới thiệu là Vijayapriya Nithyananda, “đại sứ thường trực của Hợp chủng quốc Kailasa” thậm chí còn cầm micro và hỏi về quyền của người bản địa cũng như sự phát triển bền vững. Vijayapriya cũng cho hay, đất nước của mình đã cung cấp miễn phí các nhu yếu phẩm như thức ăn, chỗ ở và chăm sóc y tế cho mọi công dân, dù không đưa ra minh chứng.
Về chuyện đại diện của một quốc gia không hề tồn tại lại được dự họp của LHQ, một đại diện của tổ chức sau đó giải thích, các sự kiện diễn ra công khai nên hầu như ai cũng có thể tham dự.
Hồi tháng 1 năm nay, Hợp chủng quốc Kailasa tuyên bố đã được Mỹ chính thức công nhận, viện dẫn một thỏa thuận kết nghĩa với thành phố Newark của xứ sở cờ hoa làm bằng chứng. Tuy nhiên, thỏa thuận đó gần đây đã bị chính quyền Mỹ hủy bỏ, ám chỉ các quan chức Newark đã bị quốc gia hư cấu lừa dối.