Tòa tháp phía bắc Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy sau khi bị máy bay do al-Qaeda khống chế đâm phải vào ngày 11/9/2001. Ảnh: Reuters |
Theo bài viết cho RT của Tom Secker, nhà báo điều tra làm việc ở Anh, việc tuyển mộ người báo tin hay điều gián điệp thâm nhập vào al-Qaeda là vô cùng khó khăn, do mạng lưới khủng bố này có cấu trúc vô cùng chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, trước ngày 11/9/2001, tình báo Anh, Pháp và Mỹ đều có những điệp viên có khả năng thâm nhập vào vòng trong của al-Qaeda, bao gồm cả các trại huấn luyện ở Afghanistan.
Omar Nasiri
Omar Nasiri sinh ra ở Maroc vào những năm 1960, nhưng lớn lên ở Bỉ. Vào đầu những năm 1990, anh ta liên quan một vụ buôn lậu súng cho GIA - một lực lượng Hồi giáo người Algeria đã tàn sát hàng chục nghìn người trong Nội chiến Algeria. Sau khi gặp rắc rối vì ăn cắp tiền từ băng nhóm của mình, anh ta đã tiếp cận với tình báo Pháp và họ đã tuyển anh làm gián điệp bên trong GIA.
Nasiri tiếp tục hoạt động như một tay buôn bán vũ khí, cung cấp vũ khí được sử dụng trong vụ GIA cướp chuyến bay của Air France năm 1994, nhằm mục đích đâm máy bay vào Tháp Eiffel. Âm mưu đó đã bị phá khi lực lượng đặc nhiệm Pháp xông vào chiếc máy bay, nhưng sau đó, Omar vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho băng này. Anh thậm chí còn lái một chiếc ô tô chất đầy chất nổ đi qua Pháp và Tây Ban Nha để giao nó cho một người thuộc GIA ở Maroc. Gilles, quản lý người Pháp của anh, đã đồng ý với nhiệm vụ này nhưng khi một vụ đánh bom xe lớn xảy ra ở Algiers vài tuần sau đó, Gilles dường như không quan tâm.
Sách mà Omar Nasiri viết về cuộc sống liên quan al-Qaeda. |
Những chi tiết này được đưa ra nhiều năm sau đó khi Nasiri viết một cuốn tự truyện và trả lời phỏng vấn kênh BBC.
Vào mùa hè năm 1995, Omar bay đến Pakistan với nhiệm vụ mới là vào thâm nhập các trại huấn luyện của al-Qaeda ở vùng biên giới Afghanistan-Pakistan. Anh đã dành một năm trong trại để học cách sử dụng vũ khí và chế tạo chất nổ tự chế, cũng như được truyền bá tôn giáo.
Khi trở về châu Âu, Nasiri bắt đầu làm việc cho tình báo Anh, được giao nhiệm vụ thâm nhập địa bàn Hồi giáo mới nổi ở London và mạng lưới hỗ trợ al-Qaeda có tên là Al Muhajiroun. Nhưng Omar thấy việc này thật nhàm chán vì mạng lưới này không lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ở Anh, và liên tục yêu cầu những người phụ trách mình điều mình trở lại các trại ở Afghanistan. Anh đã cung cấp cho tình báo Anh số điện thoại các đầu mối liên lạc của anh ta ở Pakistan, và thậm chí còn gửi tiền do chính phủ Anh cung cấp, nhưng vỏ bọc này không giúp anh xâm nhập lại được các trại huấn luyện.
Ngay cả sau khi al-Qaeda đánh bom vào hai đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi, người quản lý ở cả MI5 và MI6 vẫn từ chối để Nasiri quay trở lại Afghanistan. Sau một thời gian làm việc cho tình báo Đức, cũng gây thất vọng tương tự, Nasiri từ bỏ cuộc sống điệp viên vào năm 2000. Nếu những người quản lý anh nghiêm túc trước đề nghị của anh và cho phép anh trở lại Afghanistan thì rất có thể Nasiri sẽ được cảnh báo trước về vụ tấn công 11/9.
Aimen Dean
Vào khoảng thời gian Nasiri phát ngán vì bị cấp trên từ chối để anh theo dõi những người thực sự đang lên kế hoạch tấn công khủng bố, MI6 đã tuyển dụng một người cung cấp thông tin mới. Aimen Dean sinh ra ở Bahrain vào năm 1978, và lớn lên ở Saudi Arabia. Giống như Nasiri, anh này tham gia vào cuộc thánh chiến Hồi giáo toàn cầu sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Anh đã chiến đấu ở Bosnia trong phong trào thánh chiến của người Bosnia được phương Tây hậu thuẫn, rồi tham gia một tổ chức từ thiện Hồi giáo ở Baku, Azerbaijan. Sau đó, người này tham gia Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro ở Philippines. Về sau, Dean đã viết một cuốn sách về cuộc đời mình và đã được phỏng vấn rộng rãi.
Aimen Dean. Ảnh: Wikipedia |
Các vụ đánh bom đại sứ quán do al-Qaeda thực hiện năm 1998 đã thay đổi quan điểm của Dean. Cho đến thời điểm này Dean hoàn toàn cam kết trung thành với cuộc thánh chiến, và thậm chí đã tuyên thệ trung thành với Osama Bin Laden. Nhưng chứng kiến sự đau khổ và tàn phá ở Kenya và Tanzania đã thay đổi Dean, đặc biệt là sau khi anh thoát chết trong gang tấc trong các cuộc không kích của Mỹ vào trại huấn luyện Farouq sau vụ đánh bom đại sứ quán.
Không lâu sau khi rời trại huấn luyện, Dean bị chính quyền Qatar bắt và ngay lập khai hết những gì mình biết. Họ đề nghị anh làm điệp viên cho tình báo phương Tây, và sau một thời gian cân nhắc, Dean đã chọn người Anh. Trong tám năm tiếp theo, anh làm một đặc vụ bí mật cho MI6.
Dean cung cấp cho những người quản lý mình mọi thứ mà anh biết về al-Qaeda, bao gồm chi tiết về ban lãnh đạo, cơ cấu tổ chức, tài khoản ngân hàng, lộ trình di chuyển và nguồn tài chính. Năm 1999, họ cử anh trở lại Afghanistan để thâm nhập các trại huấn luyện và cố gắng thu thập thông tin về các kế hoạch tấn công sắp tới.
Theo cuốn sách của mình, Dean đã dành hai năm tiếp theo để giúp phá bỏ Âm mưu Thiên niên kỷ, làm trung gian một thỏa thuận với Taliban để đảm bảo không ai tấn công Thế vận hội Sydney và thoát khỏi nhà tù của Nhà nước Hồi giáo ở Pakistan với sự giúp đỡ của MI6. Anh thậm chí còn báo cáo về việc đã gặp Abu Musab Al Zarqawi, thủ lĩnh tương lai của al-Qaeda ở Iraq.
Vào mùa hè năm 2001, các trại huấn luyện xôn xao những lời bàn tán rằng một điều gì đó lớn sắp xảy ra, và Dean được đưa về London mang theo những lá thư cho các thủ lĩnh al-Qaeda ở đây, yêu cầu họ phân tán lực lượng. Dean đã báo cáo tất cả những điều này cho các sĩ quan MI6, nhưng họ đã không hành động gì cả một cách khó hiểu. Họ không đưa Dean trở lại Afghanistan để tìm hiểu thông tin cụ thể, cũng như không giao anh cho CIA, cơ quan lúc đó đang ráo riết liên hệ với các chính phủ thân thiện để hỏi thông tin về về gián điệp bên trong al-Qaeda.
Vài tuần sau, vụ tấn công 11/9 xảy ra, nhưng MI6 không bao giờ đưa Dean trở lại al-Qaeda, thay vào đó, muốn sử dụng anh để bẫy người Hồi giáo trong các âm mưu khủng bố giả. Họ không bao giờ chia sẻ anh ta với CIA để giúp đỡ trong việc săn lùng các thành viên al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan, hoặc giúp quá trình xác định tất cả thủ phạm.
Aukai Collins
Aukai Collins |
Một ví dụ nữa về việc phương Tây không tận dụng được cơ hội ngăn chặn vụ 11/9 là trường hợp của Aukai Collins, một cựu thành viên thánh chiến khác cũng là điệp viên cho phương Tây, người đã viết một cuốn sách về trải nghiệm của mình. Collins đã sống một cuộc đời nhiều biến cố. Mẹ anh bị bọn côn đồ sát hại khi anh 16 tuổi, và anh thì vào tù trốn tù liên tục vì phạm tội đường phố.
Sau khi cải sang đạo Hồi trong tù, Aukai bị thu hút bởi phong trào Hồi giáo đang lan rộng giữa những năm 1990. Những nỗ lực của anh để tham gia cuộc thánh chiến ở Bosnia đã thất bại, vì vậy anh đã dành một thời gian trong các trại huấn luyện ở Kashmir và Afghanistan.
Khi chiến tranh Chechnya nổ ra, Collins đến đây và tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng Nga. Anh gặp và kết hôn với một cô gái 16 tuổi xinh đẹp. Sau đó, trại bị tấn công, khiến Aukai bị thương nặng ở chân, sau đó phải cắt cụt chân.
Sau thời gian ở Chechnya, Aukai vỡ mộng và cuộc tấn công của Al Gama’at al Islamiyya vào Cairo tháng 4/1996 đã khiến anh nhận ra mối đe dọa từ các chiến binh Hồi giáo. Aukai bước vào Đại sứ quán Mỹ ở Baku, nói với một nhân viên CIA tất cả những gì anh ta biết và tất cả những gì anh ta đã làm, và bày tỏ muốn làm một điệp viên. CIA nói với anh ta rằng họ không thể sử dụng anh ta - mặc dù không bao giờ giải thích tại sao - và thay vào đó trả tiền để anh ta trở về Mỹ và liên hệ với FBI.
Trong bốn năm sau đó, Collins làm việc với tư cách là người cung cấp thông tin chống khủng bố, chủ yếu cho FBI nhưng cũng tham gia các hoạt động chung của FBI-CIA. Một kế hoạch liên quan đến việc thiết lập một trại huấn luyện chống khủng bố ở Mỹ để họ có thể theo dõi bất kỳ ai tham gia, nhưng kế hoạch này đã bị Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Janet Reno hủy bỏ.
Đầu năm 1998, khi đang thực hiện một nhiệm vụ của CIA để thâm nhập vào địa bàn Hồi giáo ở London, Aukai đã nhận được một lời đề nghị ngạc nhiên: chính Osama bin Laden muốn anh ta đến Afghanistan để gặp mình. Anh ta chuyển thông tin này và trong khi FBI ủng hộ việc thâm nhập vào các trại, người phụ trách ở CIA của anh ta đã không đồng ý, nói rằng: " Mỹ không đời nào chấp thuận một đặc nhiệm Mỹ hoạt động bí mật trong các trại của Bin Laden".
Điều này thực sự kỳ lạ, vì Đơn vị phụ trách Osama bin Laden của CIA, Trạm Alec, đã cố gắng đưa ai đó đến gần Bin Laden trong nhiều năm qua. Michael Scheuer, đặc vụ CIA, người thành lập Trạm Alec, đã viết trong lời tựa cho cuốn sách của Nasiri rằng Omar chính xác là gián điệp mà CIA thiếu. Vậy tại sao Aukai lại không được Mỹ đồng ý cho làm gián điệp cho dù đã được đích thân Bin Laden mời?
Thất bại này khiến Aukai từ bỏ hợp tác với CIA, và anh đã dành một thời gian ở Albania trong cuộc chiến tranh Kosovo rồi trở lại Mỹ và kết nối lại với FBI. Anh đã cảnh báo về Hani Hanjour, phi công không tặc của chiếc máy bay đâm vào Lầu Năm Góc vào ngày 11/9, sau khi anh gặp Hanjour ở Phoenix và biết anh ta đang học lái máy bay, nhưng Mỹ không bao giờ theo dõi điều này.
Sau khi người quản lý của anh được thăng chức và một người không tin tưởng Aukai thay thế vị trí, mối quan hệ của anh với FBI xấu đi và anh bỏ việc. Hơn một năm sau, sau khi xem trực tiếp vụ tấn công 11/9 trên tivi, anh đã gọi cho FBI và đề nghị giúp đỡ, thậm chí đề nghị anh có thể đến Afghanistan để săn lùng các thành viên al-Qaeda. Thay vì tiếp nhận lời đề nghị, FBI đã kiểm tra anh bằng máy phát hiện nói dối và cáo buộc anh đã biết trước về các cuộc tấn công.
Vậy FBI, CIA, MI5 và MI6 đã làm gì? Tại sao họ lại thất bại trong việc khai thác tài sản con người của mình bên trong al-Qaeda một cách có hệ thống, cả trước và sau vụ tấn công 11/9? Khi Aimen Dean báo cáo vào đầu mùa hè năm 2001 rằng sắp xảy ra cuộc tấn công lớn của al-Qaeda, tình báo phương Tây lẽ ra có thể đã cử anh, Nasiri hoặc Aukai (hoặc cả ba) đến Afghanistan để cố gắng tìm hiểu thêm, nhưng họ không làm gì.
Sau này, Dean trở thành người của công chúng, Nasiri vẫn ẩn danh và Aukai chết năm 2016. Câu chuyện đầy đủ về các điệp viên bên trong al-Qaeda có thể không bao giờ được kể.
Theo baotintuc.vn
Thủ lĩnh Al-Qaeda tái xuất đúng ngày tưởng niệm vụ khủng bố 11/9
Một đoạn video ghi hình phát biểu của Ayman al-Zawahiri, kẻ kế nhiệm Osama bin Laden lãnh đạo mạng lưới khủng bố Al-Qaeda được công bố đúng ngày nước Mỹ tưởng niệm 20 năm thảm kịch 11/9.
FBI giải mật tài liệu vụ 11/9, phơi bày nhiều chi tiết không tặc
Tập tài liệu gồm 16 trang chứa lời khai của nhiều nhân chứng và các mối quan hệ giữa hai kẻ không tặc cùng các đồng phạm.