Hơn bảy tháng nay, chị Trần Thị Mỹ Trang (phường Phú Nhuận, quận 7, TP.HCM) cho biết đã liên hệ nhiều nơi để đòi lại số tiền 25 triệu đồng mà chị đã chuyển nhầm sang tài khoản người khác nhưng vẫn chưa có kết quả.
Chưa tìm ra người nhận tiền
Phản ánh đến báo, chị Trang cho biết chị có mở tài khoản tại ngân hàng (NH) A. Vào ngày 7-12-2018, chị thực hiện lệnh chuyển khoản bằng hình thức Internet Banking cho một người bạn có tài khoản tại NH B với số tiền 25 triệu đồng. Ba ngày sau, người bạn chị báo lại vẫn chưa nhận được tiền và lúc này chị kiểm tra lại thì mới phát hiện mình đã chuyển nhầm cho một tài khoản khác cùng NH với bạn chị.
Ngay lập tức, chị Trang liên hệ NH A để thông báo việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác. Tuy nhiên, đến ngày 26-2, NH A thông báo bằng văn bản cho chị là không hỗ trợ lấy tiền lại được do không liên hệ với khách hàng nhận tiền. Tiếp đó, chị Trang tiếp tục liên hệ với NH B nhưng NH này cũng trả lời không liên hệ được với khách hàng nhận tiền nên không lấy tiền lại cho chị được.
Sau khi đi lại nhiều nơi, chị đã gửi đơn ra cơ quan công an nơi có trụ sở NH A để mong đòi lại được tiền. “Chỉ vì sai một con số mà mấy tháng liền tôi phải khổ sở như thế này, thật là mệt mỏi vô cùng” - chị Trang nói.
Chị Trinh bất lực khi không biết người mình chuyển nhầm tiền là ai để đòi tiền và tờ giấy chuyển tiền nhầm chị Trinh yêu cầu ngân hàng sao kê lại. |
Ngân hàng không thể tự ý rút tiền của người nhận nhầm
Vấn đề đặt ra là khi nhận được thông tin của khách hàng báo đã chuyển nhầm tài khoản cho người khác thì phía NH sẽ xử lý như thế nào.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc trung tâm thẻ của một NH thương mại cho biết khi nhận được thông tin, NH đầu gửi sẽ có trách nhiệm hỗ trợ khách chuyển nhầm, còn NH đầu nhận phải phối hợp rà soát, yêu cầu người nhận nhầm trả lại. Tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống NH mà có quy trình xử lý khác nhau.
Trường hợp tài khoản nhận cùng hệ thống, người chuyển nhầm phải đến quầy của NH để yêu cầu tra soát chứng từ. Trường hợp tài khoản nhận khác NH, NH đầu gửi sẽ làm thủ tục tra soát và báo cho NH đầu nhận để biết tài khoản nhận là ai. Nếu người nhận không hợp tác thì NH sẽ thông báo đến khách hàng về kết quả xử lý.
“Về nguyên tắc thì NH không thể tự ý rút số tiền đã được chuyển nhầm khi chưa có ý kiến của người nhận nhầm. Ngoài ra, NH cũng không thể cung cấp địa chỉ, số điện thoại của khách hàng nhận nhầm cho một cá nhân khác. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng như TAND, cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin của người nhận thì NH sẽ cung cấp” - vị giám đốc trung tâm thẻ của một NH cho biết thêm.
Người nhận nhầm phải chủ động trả lại tiền
Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Khi NH đã hỗ trợ tìm người nhận nhầm mà vẫn không tìm được thì người chuyển nhầm có thể làm đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu trả lại tài sản. Người chuyển nhầm cũng có thể gửi đơn đến cơ quan công an cấp huyện nơi NH người nhận nhầm có tài khoản để tố cáo hành vi chiếm giữ hoặc sử dụng trái phép tài sản.
Về trách nhiệm pháp lý của người nhận nhầm tiền của người khác: Theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nhận nhầm phải hoàn trả cho chủ sở hữu tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt 2-5 triệu đồng đối với hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” hoặc “1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác” (theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013).
Ngoài ra, người không trả lại tiền do được chuyển nhầm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chiếm giữ trái phép tài sản” theo Điều 176 BLHS 2015 với “mức phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm” hoặc tội “sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 176 BLHS 2015 với “mức phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Đi tù vì không trả lại tiền cho người chuyển nhầm
Ngày 26-10-2018, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm Nguyễn Văn Cảnh (35 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) chín tháng tù về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 1-2016, Cảnh có ký nhận hợp đồng thi công công trình xây dựng cho một công ty xây dựng. Sau khi kết thúc hợp đồng thì Cảnh không ký tiếp hợp đồng với công ty này nữa.
Đến ngày 5-4-2017, công ty xây dựng này làm thủ tục chuyển số tiền hơn 178 triệu đồng vào một tài khoản để thanh toán tiền hạng mục công nhận công trình. Tuy nhiên, do trùng tên Cảnh nên kế toán đã chuyển nhầm vào tài khoản của Cảnh. Khi nhận được thông báo tin nhắn có tiền chuyển vào tài khoản, Cảnh đã đến NH rút toàn bộ số tiền và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Công ty phát hiện việc chuyển tiền nhầm người và lập tức liên hệ với Cảnh. Tuy nhiên, công ty nhiều lần thông báo cho Cảnh biết là chuyển nhầm tiền nhưng Cảnh vờ như không nhận được tiền chuyển nhầm. Sau nhiều lần đòi tiền lại không được , công ty đã trình báo công an.
(Pháp Luật TP.HCM)