Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc chấp thuận chủ trương, trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trong giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất, trong phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án, trong đó có các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) thực hiện”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: “Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, “Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Ban cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021” và các cá nhân là lãnh đạo tỉnh hai nhiệm kỳ nói trên.
Nhìn vào danh sách 21 lãnh đạo của tỉnh mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra, thật khó tin. Hai Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là các ông: Mai Văn Ninh (nhiệm kỳ 2011-2016), Trịnh Văn Chiến (nhiệm kỳ 2016-2021); hai chủ tịch tỉnh là các ông: Trịnh Văn Chiến (nhiệm kỳ 2011-2016), Nguyễn Đình Xứng (nhiệm kì 2016-2021); 8 phó chủ tịch là các ông bà: Mai Xuân Liêm, Chu Phạm Ngọc Hiển, Lê Anh Tuấn, Lê Thị Thìn, Nguyễn Đức Quyền, Phạm Đăng Quyền, Nguyễn Ngọc Hồi, Ngô Văn Tuấn; 7 giám đốc sở là các ông: Trần Duy Bình, Hoàng Văn Hùng, Vũ Đình Xinh, Đào Trọng Quy, Hoàng Sỹ Bình, Trịnh Hữu Hùng, Đỗ Hữu Quyết; các ông Đào Vũ Việt - Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn, Trịnh Huy Triều Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, Lương Tất Thắng Bí thư - Thành ủy Sầm Sơn.
Điều đáng nói là sai phạm của tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa kéo dài suốt hơn 10 năm (từ 2010 đến 2021), khi bị xử lý thì hầu hết đã về hưu. Việc Ban Thường vụ, lãnh đạo tỉnh 2 nhiệm kỳ của Thanh Hóa đều bị kỷ luật và kỷ luật sau khi về hưu đặt ra nhiều suy nghĩ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực ở các địa phương. Điều khiến người dân trăn trở là tại sao họ - tập thể lãnh đạo đảng và chính quyền tỉnh Thanh Hóa - suốt hai nhiệm kỳ (2010-2015 và 2016-2021) “làm mưa làm gió” ở địa phương nhưng chỉ sau khi nghỉ hưu mới được phát hiện, xử lý.
Vụ việc này thêm một lần nữa khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không trừ một ai, đang ngày càng tạo được niềm tin trong nhân dân.
Xin trích phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh mới đây: kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động.
Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao; số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây.
Việc này góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên.
Ông chỉ đạo: “Xử lý tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Cuối cùng, xin dẫn ra đây lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ về công tác cán bộ: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước”.
“Kẻ thù hàng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”.
Nguyễn Nguyễn