Bạn nghĩ sao về việc hiện nay đang có xu hướng đặt tên con theo người nổi tiếng, hoặc một bộ phim ăn khách? (Ví dụ như anh chàng Batman bin Suparman ở dưới đây, hay 241 đứa trẻ mang tên Khaleesi - danh xưng nổi tiếng của "Mẹ Rồng" trong serie phim truyền hình ăn khách của đài HBO: Game of Thrones chẳng hạn).
Cảm nhận của bạn về hành động này của các vị phụ huynh kia là gì? Bạn thấy kỳ dị? Hay đáng sợ và đáng lo là nhiều hơn? Bạn có đang ôm bụng cười không? Hay là bạn coi họ là những “tấm gương sáng” để mình noi theo? Nếu như câu trả lời của bạn là 2 đáp án đầu thì có thể thần kinh của bạn đủ bình thường để chuẩn bị cho bài viết dưới đây.
Một em bé sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã được cha mẹ cậu đặt tên theo một tựa game mobile cực ăn khách tại đất nước tỷ dân này. Trò chơi này có tên là “Honor of Kings”, dịch sang tiếng Trung là Vương Giả Vinh. Cũng may là nhị vị “sư phụ” của cậu không phải là fan hâm mộ của game Kho báu dưới hố xí (Toilet Treasures) không thì tương lai cậu còn bất hạnh nữa.
Tờ báo nội địa The Paper là trang tin đầu tiên đăng bài. Họ thậm chí còn kèm theo bức ảnh giấy khai sinh làm bằng chứng cho câu chuyện tưởng như đùa này. Hầu hết các thông tin khác trong tờ giấy đã bị làm mờ, ngoại trừ tên và giới tính của đứa bé. Và bạn biết gì không? Vương Giả Vinh, hóa ra lại là một bé gái.
Honor of Kings đang là một cơn bão trong làng game điện thoại ở đất nước láng giềng của chúng ta. Ước tính hiện tại có khoảng 70 triệu người chơi trực tuyến mỗi ngày. Nó thuộc thể loại MOBA (giống với DOTA 2 hay Liên minh huyền thoại vậy), nhưng các nhân vật trong game đều là những danh tướng lịch sử của Trung Quốc.
Dĩ nhiên cái gì nổi tiếng cũng đi kèm với tai tiếng rồi. Báo chí đã tốn không ít giấy mực để viết về sự lo ngại của họ đối với sức ảnh hưởng quá lớn của tựa game này lên không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn ở các nước Đông Á. Thông tấn xã của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã liệt kê nó vào dạng một loại “gây nghiện” và “độc hại”. Chính vì vậy mà Tencent – nhà phát hành của cả Honor of Kings và Liên minh huyền thoại tại Trung Quốc) đã đưa ra động thái là giới hạn giờ chơi của trẻ em dưới 18 tuổi xuống chỉ còn 1 đến 2 giờ mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi của chúng.
Theo GenK