Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Bình Thuận, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về việc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế ban hành văn bản chống thất thu ngân sách trong việc kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông nói, cử tri phản ánh một số nơi cán bộ còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Phan Thái Bình, Quảng Nam, đã nêu trước đó trong kỳ họp Quốc hội này.
Công văn đè thông tư, nghị định và luật
Trước hết, phải khẳng định rằng công văn (Văn bản số 14257/BTC-VP ngày 15/12/2021; Văn bản số 438/BTC-VP ngày 12/1/2022) Bộ Tài chính gửi UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Công an, Bộ Tư pháp lý nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản là trong thẩm quyền của Bộ.
Song, trên thực tế, các quy định về nộp thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản đã được quy định rất rõ ràng trong hệ thống pháp luật bao gồm luật Thuế, nghị định 12, nghị định 65 và thông tư 92.
Chẳng hạn, thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính đã quy định rõ, khi chuyển nhượng bất động sản, người chuyển nhượng sẽ chịu 2% thuế thu nhập, người nhận chuyển nhượng chịu 0,5% phí trước bạ từ mức giá ghi trên hợp đồng. Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng (điều 17). Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ cũng quy định rất rõ như vậy (điều 18).
Nói một cách ngắn gọn, khi chuyển nhượng bất động sản, các bên phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận, trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo giá mà bảng giá đất mà chính quyền địa phương đã ban hành.
Hệ thống pháp luật đã quy định đã rõ ràng, cụ thể như vậy đã tạo hành lang pháp lý chuẩn mực, ổn định lâu nay để các cán bộ thuế và người dân căn cứ thực hiện.
Chính Bộ trưởng Phớc cũng giải thích: Theo luật Đất đai thì bảng giá đất sẽ được UBND các tỉnh ban hành 5 năm một lần, trong 5 năm đấy nếu có biến động tăng hoặc giảm 10%. Cho nên, bảng giá đất, đơn giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế bất động sản thì không có gì sai pháp luật, hoàn toàn đúng pháp luật, đúng với nghị định 44 về phương pháp hệ số và xác định đúng thời điểm.
Như vậy, liệu các công văn chỉ đạo của Bộ, của Tổng cục Thuế có to hơn luật, nghị định, thông tư kể trên hay không?
Người dân khổ sở
Xin nhắc lại rằng, kể từ khi có các văn bản chỉ đạo kể trên, thì các cơ quan thuế và các cơ quan liên quan cấp dưới đã “ngâm” hồ sơ đất rất lâu của dân. Báo chí phản ánh thông tin từ Tổng cục Thuế, kể từ đầu năm đến nay, cả nước đã có khoảng 85.000 bộ hồ sơ chuyển nhượng bất động sản phải kê khai lại, số thuế thu thêm tăng thêm 222 tỉ đồng. Trong đó, riêng tại TP.HCM có tới khoảng 13.100 bộ, tại Long An có hơn 500 bộ, tại Vũng Tàu có hơn 12.000 bộ.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng nói rằng ông đã chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hậu kiểm, chứ không được tiền kiểm. Vấn đề là cả núi hồ sơ bị “ngâm” như vậy chứng tỏ hệ thống ở dưới đã “tiền kiểm” rồi. Mà tiền kiểm là hoàn toàn bất khả thi, đi ngược lại với chủ trương chung về quản lý nhà nước là hậu kiểm để phát triển thị trường, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản còn rất nhiều manh mún, bất cập. Để phát triển thị trường, để thu được thuế hợp lý thì ít nhất cần có cơ chế sao cho giá đất được quy định sát với thị trường. Việc UBND các tỉnh ban hành khung giá đất 5 năm một lần, giá đất lại được quy định quá thấp thì không những người dân và cả nhà nước đều chịu thiệt thòi.
Phát triển thị trường lành mạnh
Nghị quyết Đại hội 13 đã nêu: Việc định giá đất chưa theo cơ chế thị trường, chưa sát với thực tiễn, chưa minh bạch trong đánh giá giá trị đất đai, bất động sản và chuyển mục đích, quyền sử dụng đất; thất thoát nguồn lực từ đất đô thị còn lớn. Chính sách nhà ở đô thị chưa đồng bộ, phù hợp; phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Thu thuế đất chỉ chiếm khoảng 0,07% GDP, thấp hơn gần 10 lần so với mức trung bình ở các nước đang phát triển và thấp hơn 30 lần so với mức trung bình của các nước OECD.
Lẽ ra, Bộ trưởng Tài chính với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cần kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các quy định luật pháp để hiện thực hóa các chủ trương rất đúng đắn, xác đáng như trên của Đảng. Từ đó, thị trường bất động sản nói riêng, nguồn lực đất đai nói chung mới thực sự trở thành nguồn lực, được vốn hóa cho sự phát triển của đất nước.
Trên nền tảng đó, hàng loạt vướng mắc trong thị trường sẽ hy vọng được giải quyết; việc lấn cấn trong xác định giá trị đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà các đại biểu liên tục nêu ra trong phiên chất vấn hôm qua, trong các kỳ chất vấn trong hàng chục năm qua, mới hy vọng được xử lý.
Còn khi cơ quan nhà nước xử lý vấn đề giật cục, không tiên liệu được, chỉ chăm chăm xử lý một vài giao dịch “gian lận”, thì có thể làm cho dân sợ hãi, việc thu thuế có thể tăng trong ngắn hạn, nhưng đó dứt khoát không phải là sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường.
Đây chính là tinh thần của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên chất vấn. Ông nói: "Nhưng để mất bò rồi mà còn không dám làm chuồng thì còn dở hơn. Cho nên, tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát thị trường, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Chính sách đối với tài chính kinh tế không thể giật cục được, nó phải nhất quán thông suốt, dự phòng, dự liệu nội dung khác nhau”.
Tư Giang