Bộ ảnh báo hiếu của cháu ngoại
Giữa tháng 7/2022, anh Phương Tuấn Triều (28 tuổi, ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cùng em gái thực hiện bộ ảnh kỷ niệm cho ông bà ngoại.
Mỗi bức ảnh khắc họa từng ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của ông bà trao cho nhau. Từ đó, ông bà có dịp ôn lại kỷ niệm trong suốt hơn 40 năm sống chung.
Sau đó, anh Triều đăng tải bộ ảnh lên mạng xã hội thì nhận được sự yêu thích của cộng đồng mạng. Nhiều người đồng cảm và rung động trước tình cảm chân phương của ông bà anh Triều.
Anh Triều cho biết: “Bộ ảnh được thực hiện bằng tình cảm yêu thương, tấm lòng muốn báo hiếu ông bà của tôi và em gái. Ngày trước, khi cưới nhau, ông bà không được chụp ảnh cưới. Thế nên, chúng tôi muốn bù đắp, tạo niềm vui cho ông bà lúc tuổi xế chiều”.
Tính từ lúc lên ý tưởng, anh Triều chỉ mất khoảng một tuần để hoàn thành bộ ảnh. Anh chịu trách nhiệm chụp ảnh, còn em gái của anh thì trang điểm cho ông bà.
Địa điểm chụp ảnh cũng chỉ là cảnh đẹp nơi ông bà đang sinh sống ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Sang (71 tuổi, ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), bà ngoại của anh Triều chia sẻ: “Ban đầu, các cháu đề nghị chụp bộ ảnh cho ông bà ngoại, tôi cũng thấy ngại. Tôi nói với các cháu: “Ông bà già rồi, tụi con chụp làm gì vậy”. Các cháu giải thích muốn chụp cho ông bà để làm kỷ niệm. Thế nên chúng tôi đồng ý”.
Sau đó, vợ chồng bà Sang được cháu ngoại chở đến các địa điểm chụp ảnh. Ông bà chỉ việc cười, tạo dáng theo hướng dẫn của các cháu.
Xuất phát từ lúc 11h, đến khoảng 16h cùng ngày, ông bà đã hoàn thành bộ ảnh. Được các cháu động viên, ông bà cảm thấy rất vui, không hề mệt mỏi.
Chồng của bà Sang là ông Nguyễn Văn Kết (75 tuổi) rất hào hứng tạo dáng để chụp ảnh cùng vợ. Ông không cần phải diễn, lúc nào cũng nhìn vợ mình một cách trìu mến.
Trước khi lên Đồng Nai lập nghiệp, ông bà sống ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông bà kết hôn vào năm 1970. Lúc đó chiến tranh loạn lạc, hai người lấy nhau nhưng không có một tấm ảnh cưới làm kỷ niệm.
“Thời đó, tiệm chụp hình ở tận ngoài chợ, mình muốn chụp thì phải ra đó chứ thợ không chịu vô nhà chụp hình. Thành ra, chúng tôi làm đám cưới mà không có ảnh”, bà Sang kể.
40 năm chưa một lần cãi nhau
Vợ chồng bà Sang cưới nhau qua mai mối. Lúc đó, nhà ông Kết cách nhà bà Sang khoảng 5km. Nghe tiếng bà hiền lành, cha mẹ của ông nhờ người mai mối.
Năm đó, bà Sang tròn 18 tuổi, còn chưa biết yêu đương. Nhà của bà ở vùng sâu vùng xa, một năm không ra chợ lần nào. Thế nên, bà không có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với người khác giới.
Quanh năm, bà chỉ biết phụ cha mẹ làm ruộng, không biết phấn son sửa soạn. Vì vậy, cha mẹ muốn gả cưới cho ai, bà cũng gật đầu.
Trong khi đó, ông Kết siêng năng, chịu khó, phụ cha mẹ làm ruộng, nuôi vịt, đóng đáy… Gia cảnh của ông cũng không quá khó khăn, đủ ăn đủ mặc. Thế nên, mẹ của bà Sang an tâm gả con gái.
Hai nhà đồng ý chuyện cưới xin nhưng theo lệ, phải một năm sau mới tổ chức đám cưới. Trong suốt thời gian này, ông Kết thường lui tới nhà vợ để làm rể.
“Một tháng, ông lên làm rể một lần. Nói là làm rể, nhưng chủ yếu ông lên thăm gia đình nhà gái. Sáng sớm, ông đến chơi, có việc gì thì phụ lặt vặt. Chiều 15h, ăn cơm xong, ông lại về chứ không ở qua đêm”, bà Sang nhớ lại.
Sau 6-7 tháng ông tới lui, bà có cảm tình đôi chút chứ chưa có tình thương. Mãi về sau, cả hai trải qua nhiều gian khó, lo lắng cho nhau thì mới có tình cảm sâu nặng.
Trong khoảng 7 năm đầu kết hôn, bà Sang may mắn được nhà chồng yêu thương, chăm lo đầy đủ. Vợ chồng bà sống cùng gia đình chồng, phụ làm ruộng, quán xuyến chuyện nhà.
Nhiều lần nhà chồng cho ra ở riêng nhưng bà muốn ở lại để phụ cha mẹ chồng, lo cho các em chồng đến nơi đến chốn.
Năm 1977, ông bà mới quyết định ra ở riêng. Nhà chồng cho ông bà 2 mẫu ruộng. Ruộng thì nhiều nhưng gặp nước mặn nên cứ thất thu. Ông phải làm bao vuông nuôi thêm tôm cá.
Năm 1978, ông Kết thấy làm ruộng cứ mất mùa, người ta lại đồn trên Đồng Nai dễ làm ăn, tỉa bắp không cần phân tro trái vẫn to. Ông lặn lội lên Đồng Nai để xem xét tình hình và tìm mua đất. Sau đó, ông quay về bàn tính với vợ, bán hết ruộng đất ở Bến Tre, dẫn theo con cái lên Đồng Nai lập nghiệp.
Bà Sang kể: “Xứ lạ quê người, không quen biết ai, thiếu thốn cũng không có chỗ vay mượn. Cho nên vợ chồng không dám tiêu xài, ăn bắp trừ cơm, đi làm thuê làm mướn”.
Ông làm rẫy nhà, giữ con, còn bà đi làm thuê. Vợ chồng bảo ban nhau cố gắng chứ không hề có tiếng cãi nhau.
“Cả hai đều dễ tính, hiền lành, chịu khó làm ăn. Cho nên, chúng tôi sống rất hòa thuận. Hồi nghèo, chúng tôi không lục đục thì đến hiện tại, cuộc sống ổn rồi nên càng không có việc gì để cãi vã. Mình đi làm ăn xa thì phải cùng nhau cố gắng, ráng nuôi con, chứ cãi nhau cũng đâu được gì”, bà Sang chia sẻ.
Bà Sang nhớ nhất thời điểm nhà nghèo mà bà lại đau bệnh phải uống thuốc trong thời gian dài, một tay ông lo cho vợ con, rồi còn làm rẫy. Nhớ lại lúc đó, bà thấy thương ông vô hạn.
Hai ông bà làm nhiều, buôn cái này bắt cái kia. Thế nhưng, điệp khúc trúng mùa thất giá, được giá thì thất mùa cứ đeo bám mãi. Rẫy nhà hết trồng bắp lại trồng sang đậu nành.
Hiện tại, vườn ông bà chỉ trồng sầu riêng, kinh tế gia đình cũng ổn định. Con cái lớn lên, ông bà dựng vợ gả chồng, cho đất ở riêng.
Mấy năm nay, bà không còn đi rẫy nữa, ở nhà lo cơm nước cho ông. Có hôm đẹp trời, ông lại chở bà đi rẫy chơi. Hôm nào bà không theo ông vào thăm rẫy thì đến tối, ông lại kể bà nghe cây trái trong vườn ra sao.
Dù lớn tuổi nhưng bà vẫn nấu 3 bữa cơm nóng mỗi ngày, không có chuyện sáng nấu để dành ăn đến tối. Con cháu của ông bà đều rất hiếu thảo, sống gần gũi cha mẹ. Những hôm ông bà đi rẫy, con cháu mang thức ăn đến, treo đầy ở cổng nhà.
Thỉnh thoảng, ông bà lại được con cháu rủ đi Đà Lạt, Vũng Tàu… thăm thú cảnh đẹp, tận hưởng bình yên lúc về già.
Ảnh: Nhân vật cung cấp