Cuộc gặp gỡ tình cờ trên xe khách
Ngồi trong căn nhà nhỏ ở xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) nhìn ba đứa con thơ chưa kịp hiểu chuyện, anh Đồng Văn Tâm (32 tuổi) như gục ngã, bật khóc nức nở. Gần một tháng trước, vợ anh là chị Đỗ Thị Thương (cùng tuổi) qua đời sau hơn hai năm điều trị ung thư.
Năm 2010, khi còn là phụ xe khách, anh Tâm tình cờ gặp chị Thương trên chuyến xe từ xã Phú Nhuận về thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng). Cặp đôi cùng tuổi, lại chưa có người yêu, được các hành khách trên xe nhiệt tình trêu đùa và "ghép đôi".
Vì bận làm việc, anh Tâm không mấy để ý, chỉ cười cho qua chuyện. Nhưng chị Thương thì khác, từ cuộc gặp gỡ tình cờ đó, đã đem lòng thương anh.
Đến điểm dừng, chị Thương và mẹ xuống bến, không quên xin số điện thoại anh Tâm để buổi chiều khi xe quay đầu về xã Phú Nhuận sẽ gọi đón.
Như đã hẹn, hai mẹ con một lần nữa gặp lại anh Tâm. Lúc này, tài xế đỗ cạnh một quán nước chờ làm vệ sinh xe. Trong khi anh Tâm chăm chú quét dọn phương tiện, thì chị Thương cầm theo cốc nước cacao đến mời anh uống.
"Chân tay anh đang lấm bẩn, em với mẹ cứ uống đi, mặc kệ anh" - anh Tâm ngại ngùng đáp. Nhưng chị Thương nằng nặc: "Mấy khi em được mời anh cốc nước. Anh cứ uống đi cho em vui".
Biết không thể từ chối cô gái này, anh Tâm vui vẻ nhận lấy, ngồi uống ngay trên xe, xong tiếp tục công việc.
Buổi tối đó về đến nhà, chị Thương chủ động nhắn tin làm quen anh Tâm, mở ra một chuyện tình đẹp.
Sau hai năm tìm hiểu và yêu đương, cuối năm 2012, cặp đôi kết hôn, dù trong tay không có nhiều vốn liếng. Một năm trước, gom góp được hơn 10 triệu đồng, anh Tâm đi học bằng lái xe ô tô, dự định chạy xe kiếm tiền.
Hoàn cảnh gia đình hai bên đều khó khăn, "đến cái giường còn không có mà nằm", công việc lại chưa ổn định, nhưng anh Tâm vẫn nhất quyết cưới vợ.
Anh dẫn chị đi mua đôi nhẫn cưới bằng vàng, giá vài triệu đồng, sắm thêm bộ chăn, ga, gối, đệm mới, rồi nhờ anh em, bạn bè cùng sửa sang căn nhà cũ, ngăn một góc thành phòng cưới tạm bợ.
Đám cưới được tổ chức đúng theo kế hoạch, nhưng hai vợ chồng đều "trắng tay" do trả nợ. Họ bàn tính xuống thị trấn Phố Lu thuê nhà, "nhảy tàu" tuyến Lào Cai - Hà Nội bán hàng rong.
"Mỗi sáng, chúng tôi lên ga Phố Lu bán hàng, đến ga Lào Cai thì đã khoảng 10 - 11 giờ trưa, rồi lại đợi bắt tàu về ga Mậu A, cứ như thế đến tận tối mới về nhà", anh Tâm nhớ lại. Về sau, anh lái xe, vợ vẫn tiếp tục bán hàng rong trên tàu kiếm sống.
Năm 2014, chị Thương mang thai con gái đầu lòng, cả gia đình dọn về nhà nội ở xã Phú Nhuận sinh sống. Những năm sau, họ lần lượt chào đón thêm 2 cậu con trai, hiện 3 và 6 tuổi.
"Ngày biết vợ bị ung thư, chúng tôi ôm nhau khóc nức nở"
Cuối năm 2019, sau sinh con thứ ba, chị Thương thường xuyên ngứa mũi, hắt hơi, mua thuốc xoang trên mạng tự điều trị nhưng càng nặng hơn.
Dù mũi xuất hiện những cục dịch nhỏ, nhưng đúng lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị không thể đến bệnh viện thăm khám, tiếp tục tự điều trị tại nhà.
"Chúng tôi chỉ nghĩ là bệnh xoang thông thường, loại bệnh cả đời, nên cứ mua thuốc về xịt cho dễ chịu", anh Tâm kể.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, anh đưa vợ đến bệnh viện huyện Bảo Thắng khám, xác định một cục u bên trong mũi, nằm điều trị 15 ngày bằng cách uống kháng sinh với hy vọng "khối u sẽ tự xẹp".
Tuy nhiên, sau thời hạn, người vợ được yêu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh, nằm lại 10 ngày chờ phẫu thuật. Các bác sĩ nghi ngờ có khối u ác tính, thông báo gia đình đưa bệnh nhân xuống Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội).
Tháng 8/2020, cầm trên tay tờ giấy chẩn đoán ung thư vòm mũi (ung thư các xoang mặt) giai đoạn 3, đôi vợ chồng ôm nhau khóc nức nở tại bệnh viện.
Chị Thương được chỉ định nhập viện. Mỗi ngày, anh Tâm đều gặp bác sĩ hỏi han tình hình của vợ, đồng thời theo dõi quá trình điều trị của các bệnh nhân khác.
"Một tháng sau, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, vợ chịu nhiều đau đớn, lại xa các con, tôi rất xót xa", người chồng nhớ lại.
Vừa lo viện phí cho vợ, tiền ăn học cho con, anh Tâm còn chăm sóc bố mẹ già, người anh trai bị bệnh thần kinh điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (huyện Thường Tín, Hà Nội).
Trong một lần nói chuyện, nghe vợ nói muốn về nhà điều trị để gần các con, lại đỡ chi phí, anh Tâm khuyên chị yên tâm chữa bệnh, tốn kém bao nhiêu anh cũng lo được, kể cả phải bán nhà.
Nhiều lần khuyên nhủ nhưng bất thành, anh Tâm tôn trọng ý kiến của vợ, xin phép hai bên gia đình đưa chị về Lào Cai. Kể từ đó, hễ ai chỉ đâu, mách đâu có bác sĩ giỏi, bài thuốc tốt, anh đều tìm đến. Hai vợ chồng chịu khó ăn uống kiêng khem, tập thể dục đều đặn nhưng tình trạng bệnh vẫn trở nặng.
Cuối năm 2021, ung thư di căn vào mắt, vòm họng khiến chị Thương mù hai mắt, mặt sưng phồng biến dạng. Chị vừa buồn vừa tự ti, vì trước đây từng là một cô gái xinh đẹp, tủi thân nói với anh Tâm: "Sao hai vợ chồng mình vất vả thế anh. Em thương anh phải gánh vác cả gia đình".
Chị cũng từng nhiều lần khuyên anh đi bước nữa: "Anh còn trẻ, nếu tìm được người yêu thương thật sự, cứ lập gia đình. Em không ngăn cấm anh". Mỗi lần nghe vợ nói thế, anh Tâm đều gạt phăng, sẵn sàng nghỉ việc, ở nhà toàn tâm toàn ý bên cạnh vợ và 3 con. Thỉnh thoảng, anh bán hàng online kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
"Vợ tôi sống cũng khổ mà mất cũng khổ, tôi thương cô ấy thật nhiều"
Mỗi ngày, cặp đôi đều dành thời gian tâm sự để giúp chị Thương quên đi nỗi đau bệnh tật. Anh Tâm còn lập một kênh TikTok từ tháng 6 để chia sẻ những câu chuyện của gia đình, vừa làm kỷ niệm, cũng là động lực cho những ngày sắp tới.
Điều mà họ không ngờ được là những video thô sơ, không hề được quay dựng chuyên nghiệp, lại được cộng đồng mạng quan tâm, giúp cả hai được an ủi phần nào và có thêm sức mạnh.
"Tôi thường đọc các bình luận động viên của mọi người cho vợ nghe. Cô ấy nhờ đó cũng vui vẻ và thoải mái hơn", anh nói.
Dù không ít lần nản lòng, nhưng anh Tâm nhắc nhở bản thân phải luôn nỗ lực làm điểm tựa cho vợ và các con. Chị Thương cũng rất lạc quan, chưa bao giờ buồn chán, suy nghĩ tiêu cực hay oán trách số phận. Nhìn nghị lực vượt lên bệnh tật của vợ, anh như có thêm động lực để cố gắng.
Cuối tháng 10, chị Thương nói với chồng rằng bản thân còn nhiều dự định, một trong số đó là mong muốn lên núi sống, hít thở không khí trong lành giúp tinh thần thoải mái và khuây khỏa.
Anh Tâm hứa với vợ khi nào bệnh tình đỡ hơn sẽ cùng nhau lên núi một chuyến. Nhưng lời hứa chưa kịp thực hiện, thì sáng 23/10, chị lịm dần khi đang ngồi trên ghế, không ăn uống, không nói chuyện, thở khó khăn.
Sang hôm sau, thấy vợ mãi không tỉnh, anh Tâm đánh tiếng hỏi vài câu nhưng chị vẫn không đáp. Biết là vợ sắp không qua khỏi, anh gọi điện thông báo hai bên gia đình, dặn mọi người đến thăm chị lần cuối.
Chiều 24/10, chị Thương được người thân tắm rửa, thay bộ quần áo mới. Khi anh Tâm vừa cầm chậu nước, quay ra ngoài chưa đầy 30 giây, thì bên trong người thân đã hét lên: "Anh ơi, chị không còn thở nữa".
Người chồng vội chạy vào, lay người vợ hi vọng một phép màu, nhưng chị Thương chỉ thở hắt 3 lần rồi từ từ nhắm mắt. Phút giây chị rời xa gia đình, ba người con vẫn đang trên trường học, không kịp nhìn mẹ lần cuối.
"Cô ấy sống khổ, mất cũng khổ, tôi nghĩ lại vẫn thấy thương vợ thật nhiều", nói xong, anh Tâm bật khóc.
Lúc sau, ôm ba người con thơ dại, anh không giấu diếm mà nói rằng "mẹ đã đi xa mãi mãi". Người con cả 8 tuổi hiểu chuyện, khóc theo bố, hai em trai chỉ biết nhìn mẹ nằm trên giường.
Chưa thể nguôi ngoai nỗi đau, anh Tâm nói vẫn mong nhớ vợ mỗi ngày. Anh chưa có kế hoạch quay lại công việc, muốn tập trung lo hương khói cho vợ tươm tất.
"Chuyện sau này chẳng ai biết ra sao, nhưng hiện tại tôi chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe lo cho các con đến nơi đến chốn để vợ tôi yên lòng", anh nghẹn ngào.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Chắc, Chủ tịch UBND thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cho biết gia đình anh Tâm thuộc diện khó khăn trên địa bàn, chị Thương qua đời hồi cuối tháng 10 do mắc ung thư.
"Các tổ chức từ thiện và hàng xóm xung quanh rất đồng cảm, cũng từng giúp đỡ và chia sẻ cùng gia đình anh Tâm", ông Chắc nói.
Theo Dân trí