Dấn thân vào ngành vừa khó vừa hẹp
16 năm trước, Đại học Bách khoa Hà Nội chưa có chuyên ngành thiết kế vi mạch, sinh viên chỉ được học một số môn học cơ bản của khoa Điện tử - Viễn thông có liên quan gần tới thiết kế vi mạch như: Điện tử số, Lý thuyết mạch, Vi xử lý, VLSI…
Một ngày, Wichip - công ty startup Việt Nam làm về thiết kế vi mạch số, được thành lập bởi một số chuyên gia Việt kiều và giảng viên trường Đại học Bách khoa – về trường tuyển thực tập sinh. Thấy hấp dẫn, Lê Hải Anh cùng một số bạn học đăng ký thi tuyển và phỏng vấn.
Vào công ty, nhóm thực tập sinh được tiếp cận một vài cuốn sách về thiết kế vi mạch số với nhiều kiến thức mới, khó nhưng hấp dẫn thú vị. Chính những kiến thức đầy tính thách thức này đã thôi thúc chàng sinh viên Lê Hải Anh dấn thân theo ngành thiết kế vi mạch.
Vừa học tập và thực tập part-time, hơn 1 năm sau, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng kỹ sư loại giỏi, Lê Hải Anh trở thành nhân viên chính thức của Wichip.
Làm xong sản phẩm vi mạch bản mẫu (prototype) song không tìm được đầu ra, được ít lâu, các nhà sáng lập Wichip quyết định giải thể công ty. Một nhóm kỹ sư của Wichip đang làm dự án cho Công ty Dolphin (Mỹ) đã được mua lại để thành lập văn phòng của Dolphin tại Việt Nam. Nhóm kỹ sư gồm Lê Hải Anh và 2 người khác.
Nhận thấy chất lượng làm việc của nhóm kỹ sư Việt Nam tốt, chi phí lương lại thấp hơn so với ở Mỹ, Công ty Dolphin quyết định mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại văn phòng Việt Nam, tuyển thêm nhân sự và cử kỹ sư nhiều kinh nghiệm bên Mỹ sang đào tạo.
Ngày 7/5/2010, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dolphin Technology Vietnam Center (gọi tắt là Dolphin Việt Nam) chính thức được thành lập, chuyên cung cấp các thiết kế IP nền tảng (Foundation IPs: Stdcell, Memory, IO) và các khối điều khiển logic (Soft IPs) cho các công ty làm chip vi mạch. Với lợi thế có sẵn nguồn dự án từ công ty mẹ bên Mỹ, Dolphin Việt Nam chỉ tập trung làm chuyên môn kỹ thuật, không phải quá lo chuyện “cơm áo gạo tiền” trong những ngày đầu hoạt động.
Khó khăn lớn nhất đối với Giám đốc Lê Hải Anh là chuyện tuyển người. Hầu hết sinh viên mới ra trường không quan tâm tới ngành thiết kế vi mạch. Những năm đầu, mỗi đợt tuyển dụng công ty chỉ tuyển được vài nhân sự phù hợp.
“Năm 2010, cả Hà Nội chỉ có 2 công ty làm về thiết kế vi mạch, gồm 1 công ty làm IC nguồn và Dolphin Việt Nam làm IC số. Không ít kỹ sư trẻ của Dolphin sau một thời gian ngắn làm việc, thấy công việc tương đối khó, ngành tương đối hẹp, e ngại nếu công ty phá sản sẽ không biết đi đâu về đâu, đã xin nghỉ việc để tìm cơ hội phát triển khác. Những năm 2014 – 2015, thị trường vi mạch toàn cầu đi xuống, có những giai đoạn Dolphin Việt Nam thiếu hụt nhân sự trầm trọng”, ông Hải Anh kể.
Để giải bài toán thiếu nhân sự, Dolphin Việt Nam đã hợp tác với các giảng viên và các trường đại học như Bách khoa Hà Nội, Quốc gia Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội… Công ty mở ra các chương trình thực tập sinh, đến từng trường đại học giới thiệu về ngành vi mạch, hướng nghiệp cho sinh viên. Một số bài giảng kiến thức về vi mạch cũng được xây dựng và giới thiệu tới sinh viên trong các tiết học chuyên ngành với sự hỗ trợ từ một số thầy cô. Nhờ đó, khó khăn về nhân sự được tháo gỡ dần. Tới nay, Dolphin Việt Nam đã thiết kế một vài khóa học chuyên sâu ngắn hạn và hợp tác với các trường đại học giúp sinh viên tiếp cận dễ dàng hơn với ngành nghề thiết kế vi mạch.
Năm 2017, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động và tìm kiếm thêm nguồn lực nhân sự, Dolphin Việt Nam mở thêm chi nhánh ở Hải Phòng, phối hợp với Đại học Hàng hải, tuyển sinh viên học chuyên ngành Điện tử, sau đó cử kỹ sư từ Hà Nội về đào tạo, bồi dưỡng thêm.
Từ hơn 10 nhân sự ban đầu, mỗi năm, Dolphin Việt Nam tăng quy mô nhân sự khoảng 15%, hiện tại có khoảng 200 kỹ sư và thực tập sinh, trong đó chi nhánh ở Hải Phòng có khoảng 40 người.
Làm chủ công nghệ cao
Dolphin Technology Vietnam Center chuyên cung cấp các thiết kế IP trên chip, giúp các kỹ sư vi mạch thu gọn được kích thước sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa nguồn năng lượng tiêu thụ, từ đó đẩy nhanh tiến độ tiếp cận thị trường cho sản phẩm chip của khách hàng.
Một con chip được cấu thành từ rất nhiều thành phần nhỏ. Tổng thời gian để làm một sản phẩm chip hoàn thiện quá dài có thể kéo theo hệ lụy mất cơ hội thị trường. Những doanh nghiệp làm IP như Dolphin Việt Nam có thể giúp các công ty muốn làm chip giảm thời gian phát triển sản phẩm. Với việc mua lại những IP đã được chứng nhận (Silicon-proven) của Dolphin Việt Nam về lắp ghép theo Spec (chỉ dẫn kỹ thuật), các công ty làm chip có thể rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm con chip chỉ còn 1 – 2 năm thay vì phải mất tới 4 – 5 năm nếu tự “làm tất ăn cả”.
Ngoài hướng dẫn ban đầu từ kỹ sư bên Mỹ, đội ngũ kỹ sư của Dolphin Việt Nam tự học hỏi thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ mới. Hàng loạt IP có chip mẫu, qua đo đạc kiểm thử, có kết quả Silicon-proven, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu phát triển, đã được gửi sang Mỹ để thương mại hóa.
“Có nhiều dòng sản phẩm, chúng tôi tự phát triển từ đầu tới cuối: xác định tính năng, đặc tính kỹ thuật cho sản phẩm, xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm và thực hiện toàn bộ các khâu trong quá trình phát triển sản phẩm. Sau khi ra được sản phẩm thì có thể bàn giao trực tiếp đến khách hàng, không cần sự tham gia kiểm tra đánh giá chất lượng của công ty mẹ bên Mỹ nữa. Kể cả bản mẫu test-chip cho các sản phẩm mới, trước đây thường được làm bởi kỹ sư bên Mỹ, giờ đã được làm chủ bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam”, ông Hải Anh cho biết.
Một số IP rất mới, chưa có Silicon-proven thì một số khách hàng lớn sẽ cùng làm thử test-chip với Dolphin Việt Nam. Hiện đội ngũ kỹ sư Việt Nam của Dolphin đang làm cả công nghệ 2NM.
“Các dòng sản phẩm Foundation IP của Dolphin Việt Nam trải dài theo các node công nghệ của các Foundry (công ty có dây chuyền, nhà máy sản xuất bán dẫn). Ví dụ TSMC có các công nghệ từ 90nm xuống 2nm, thì chúng tôi có khoảng 20 dòng sản phẩm chính theo các node công nghệ đó. Trong mỗi dòng sản phẩm, có rất nhiều sản phẩm được chỉnh sửa tùy theo quy trình nên số dòng sản phẩm thực tế cũng phải đến hàng trăm”, ông Hải Anh hào hứng khoe.
Sau hơn 14 năm nghiên cứu và phát triển, Dolphin Technology Vietnam Center cũng cung cấp một số lượng lớn các sản phẩm Soft IPs cũng như các giải pháp thiết kế số tùy biến cho khách hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“Có công ty đang sử dụng LPDDR4 controller IP (khối điều khiển bộ nhớ DRAM tốc độ cao) của chúng tôi để tích hợp vào con chip sử dụng trong ngành ô tô sẽ ra mắt thị trường sau khoảng 2 năm nữa. Một công ty lớn làm về AI sẽ sử dụng một số IP rất đặc biệt của chúng tôi để làm con chip chuyên xử lý cho AI. Chúng tôi đã bán được sản phẩm cho những công ty lớn như STMicroelectronics, Google, … Làm việc với các “ông lớn” vừa là áp lực vừa là động lực. Yêu cầu của họ rất cao”, Giám đốc Dolphin Việt Nam tiết lộ.
Các sản phẩm của Dolphin Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe nhất của những công ty hàng đầu trong lĩnh vực IP bán dẫn.
“Các bộ tiêu chuẩn (Design Rule) thường được định nghĩa bởi các Foundry. Các dòng sản phẩm của chúng tôi đều phải đạt được tiêu chuẩn nhà sản xuất đề ra. Nhưng cũng có một số trường hợp khách hàng đưa ra yêu cầu đặc biệt. Ví dụ, điều kiện hoạt động bình thường của con chip từ -40 độ đến 125 độ, nhưng có khách hàng yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn, phải 150 độ C và thời gian hoạt động (lifetime) của chip là 10 năm. Hoặc có khách hàng muốn làm chip bán cho các nhà sản xuất ô tô, chip phải đạt tiêu chuẩn ISO 26262 (tiêu chuẩn quốc tế về an toàn chức năng trong ngành công nghiệp sản xuất xe cơ giới), thì IP của chúng tôi cũng phải đạt tiêu chuẩn ISO 26262. Chúng tôi phải thay đổi, tối ưu lại các sản phẩm để đảm bảo đáp ứng những điều kiện, yêu cầu khắt khe đó”, Giám đốc Dolphin Việt Nam cho hay.
Một trong những khách hàng khó tính nhất theo đánh giá của Giám đốc Lê Hải Anh là một tập đoàn về automotive (công nghệ ô tô) với rất nhiều bài test (kiểm tra) riêng biệt do họ có nguồn lực kỹ sư hùng hậu. Trong đó có những chỉ tiêu rất khó, chẳng hạn như đảm bảo tất cả các thành phần logic ở trong khối IP chức năng mới của con chip có kết quả test 99,8% (Test coverage). Hoặc các bài test đánh giá hiệu năng thực thi (benchmark) của IP. Đội ngũ Dolphin Việt Nam mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa, tái thiết kế mới đạt yêu cầu của họ.
“Chúng tôi sẵn sàng đi cùng khách hàng theo vòng đời sản phẩm. Có những dự án kéo dài tới 2 - 3 năm. Sau khi chúng tôi cung cấp IP cho khách hàng sử dụng, tích hợp vào con chip của họ, đến khi họ làm nguyên mẫu sản phẩm sử dụng con chip (bo mạch điện tử) và xây dựng các ứng dụng sử dụng con chip thì có thể vẫn phát sinh các vấn đề. Chúng tôi tiếp tục đi cùng họ để tìm hiểu nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Hoặc có sản phẩm sau vài năm bắt đầu làm version (phiên bản) mới, nâng cấp thêm tính năng, chúng tôi cũng sẵn sàng đồng hành để có phiên bản mới hoàn thiện hơn”, ông Hải Anh kể tiếp.
Những nỗ lực của đội ngũ Dolphin Việt Nam đã được ghi nhận và đánh giá cao bởi các đối tác, khách hàng khó tính. Chẳng hạn, Sigma Designs nhận định Dolphin là một “Đối tác tin cậy”; GEO Semiconductor đánh giá “Mật độ tích hợp và tốc độ chip tốt nhất với mức năng lượng tiêu thụ tối thiểu”; còn Juniper Networks ấn tượng về khả năng “Sử dụng được cho nhiều dự án thông qua sự cải tiến không ngừng”…
Tuy nhiên, hành trình phát triển của Dolphin Việt Nam không chỉ toàn “màu hồng” và sự thành công. Đã có những sai lầm phải trả giá bằng rất nhiều tiền.
“Có lần sai sót trong IP của Dolphin Việt Nam khiến khách hàng phải làm lại con chip khác, và “cái giá phải trả” lên tới con số hàng trăm nghìn USD tiền hỗ trợ lại cho khách hàng. Từ sai lầm như thế, chúng tôi đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm”, ông Hải Anh nhớ lại.
Chung tay để Việt Nam sớm trở thành hub về nhân lực thiết kế vi mạch
Dolphin Việt Nam là một trong số không nhiều công ty về thiết kế vi mạch sẵn sàng tuyển những người chưa có nhiều kinh nghiệm, tạo môi trường để rèn luyện “thực chiến”, bồi dưỡng thành nhân lực tài năng trong ngành bán dẫn.
“Tại Việt Nam hiện nay, nếu tính về kỹ sư làm chuyên sâu vài mảng thì có nhiều, nhưng để có kỹ sư trưởng/kỹ sư tài năng có đủ kinh nghiệm và khả năng làm những thứ mới và khó thì còn rất ít. Các trường đào tạo lý thuyết cơ bản tốt nhưng sinh viên muốn làm được việc cần có môi trường, dự án thực tế, va chạm vào những công việc thật. Ở Dolphin Việt Nam, ngay cả thực tập sinh cũng có thể được tham gia giai đoạn test sản phẩm cho khách hàng, được trải nghiệm các giai đoạn phát triển một IP mới. Quá trình thực tập 3 – 6 - 12 tháng vô cùng bổ ích cho sinh viên, lấp được khoảng cách đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Khi ra trường, các bạn sinh viên trở thành những kỹ sư có thể tham gia ngay vào các dự án và làm việc tốt. Hàng năm, chúng tôi đều có ngân sách dành để trợ cấp lương cho thực tập sinh, chi phí hỗ trợ cho việc hợp tác nghiên cứu với các lab của các trường đại học, hỗ trợ kỹ sư đi trợ giảng tại các cơ sở đào tạo, và sử dụng rất nhiều nguồn lực nội bộ để xây dựng nội dung đào tạo cho cả sinh viên, fresher (nhân viên mới) và nâng cao trình độ cho kỹ sư - thường xuyên cải tiến nội dung để bám sát công việc thực tế”, ông Hải Anh nhận định.
Mong muốn của Giám đốc Dolphin Việt Nam không chỉ là thu hút nhiều nguồn nhân lực tài năng giúp công ty phát triển tốt hơn, bền vững hơn, mà còn hơn thế, muốn có thể góp một phần nhỏ để sớm đưa Việt Nam trở thành hub nhân lực thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới.
“Việt Nam trở thành hub nhân lực vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới là chuyện rất khả thi. Người Việt Nam có khả năng làm những công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo, thông minh. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Dolphin Việt Nam, các bạn kỹ sư làm layout rất tỉ mỉ, kiên trì, cẩn thận. Sản phẩm của các bạn là các bản thiết kế vật lý, người ngoài ngành nhìn vào thấy rất bắt mắt, nhiều màu sắc như tranh trừu tượng, còn kỹ sư trong nghề nhìn vào sẽ thấy sự chính xác, cân đối, bố cục khoa học, sẽ biết được bản thiết kế có chất lượng tốt. Trong khi đó, ở các quốc gia đã phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… thì giới trẻ không hứng thú với mảng vi mạch bán dẫn, họ thường chỉ muốn làm công việc khác nhẹ nhàng hơn mà lương cao như luật sư, bác sĩ, tài chính… Cách đây vài năm, có câu chuyện một lab nghiên cứu của trường đại học bên Mỹ có rất ít sinh viên ứng tuyển vào vị trí nghiên cứu về thiết kế analog. Thiếu người học cao lên các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về mảng thiết kế vi mạch đang là tình trạng chung ở một số quốc gia trên thế giới”, ông Hải Anh phân tích.
Bên cạnh hoạt động phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đầu tư nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới cũng là một trong những định hướng phát triển quan trọng trong tương lai của Dolphin Việt Nam.
“Chúng tôi đang hợp tác với một số lab của các trường đại học để phát triển các sản phẩm mới. Chúng tôi mong có cơ hội hợp tác với các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước nhằm tạo ra những liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm “Make in Vietnam”, dùng những nghiên cứu đó hình thành những startup Việt Nam có thể đưa sản phẩm, trí tuệ Việt ra toàn cầu”, Giám đốc Lê Hải Anh bày tỏ.
Bình Minh