Nguyễn Lê Quang Tuấn: Tấn công, tấn công và tấn công
Khó có người nào ở Super League có thể sánh ngang với Quang Tuấn về khả năng tấn công. VĐV kỳ cựu này đã ghi đến 60 bàn thắng trong 18 trận đấu lượt đi Super League, cao hơn 5 bàn so với người xếp thứ 2 là Phạm Tường Thành, và bỏ xa đối thủ của anh ở trận chung kết tới đây là Đặng Duy Nghĩa với khoảng cách 11 bàn.
Điều quan trọng hơn chính là, Quang Tuấn là VĐV có thể xuyên thủng mành lưới của bất kỳ đội bóng nào ở Super League. Không phải ngẫu nhiên mà đối thủ của anh là Duy Nghĩa từng nhận xét: “Dù cho có thủ kiểu nào anh Tuấn cũng tấn công được cả!”
Ngoài ra, mặc dù được xem là một VĐV “lấy công bù thủ”, nhưng Quang Tuấn chỉ thủng lưới 39 lần trong suốt lượt đi, đứng hạng 3 về số lần thủng lưới ít nhất.
Về đội hình chiến thuật, Nguyễn Lê Quang Tuấn thường xuyên thử nghiệm các sơ đồ thi đấu khác nhau cho đến vòng đấu 4, sơ đồ “cánh cụp cánh xòe” với 1 tiền đạo cắm, 1 tiền đạo lùi, 1 tiền đạo trái, 1 tiền vệ tấn công dâng lên rất cao, 1 tiền vệ phòng ngự lùi lại rất sâu và 1 tiền vệ thuần cánh phải.
Đồng thời, Quang Tuấn còn áp dụng xu hướng tấn công mức 1, phòng thủ mức 1 cho các cầu thủ tấn công và tấn công mức 1, phòng thủ mức 3 cho 5 vị trí phòng ngự nhằm bảo đảm thể lực, cũng như lối chơi giữ vị trí của toàn đội. Đây có thể là lý do quan trọng khiến cho anh có được rất nhiều bàn thắng vào cuối hiệp 2.
Trong vòng chung kết, Quang Tuấn đã không sử dụng bất cứ cầu thủ nào thuộc thẻ mùa 10. Trong đó, hầu hết những tiền đạo đắt giá nhất thị trường chuyển nhượng đều xuất hiện. Tuy nhiên, tác giả vẫn không ngừng thắc mắc rằng, tại sao Drogba ’10 và Muller WC, 2 tiền đạo tốt nhất thuộc 2 phong cách sức mạnh - sát thủ lại không được lựa chọn? Nên nhớ, hai cầu thủ này chính là 2 người đã biến trận bán kết 2 giữa Tường Thành và Duy Nghĩa trở thành sân khấu riêng của họ.
Đặng Duy Nghĩa: Sức mạnh từ hàng phòng ngự
Thành tích của Duy Nghĩa ở lượt đi hoàn toàn trái ngược với Quang Tuấn: Anh là VĐV có kỹ năng phòng thủ tốt nhất Super League khi chỉ thủng lưới 21 bàn sau 18 trận đấu, ít hơn người xếp thứ 2 là Nhất Huy đến 10 bàn, và bỏ xa đối thủ Quang Tuấn với cách biệt 18 bàn.
Mặt dù không thực sự có những loạt đấu hoàn toàn không thủng lưới, nhưng Duy Nghĩa chưa từng bị chọc thủng lưới quá 3 lần trong cùng 1 trận đấu trước bất kỳ đối thủ nào. Ngoại trừ lượt trận với Minh Thọ, anh thậm chí còn không bao giờ bị ghi quá 3 bàn trong 1 vòng đấu. Một kỹ năng phòng thủ trầm tĩnh và ổn định đến khó tin ở một tân binh.
Nhưng phòng thủ kiểu Duy Nghĩa không phải là phòng ngự tiêu cực. Phạm Tường Thành từng khẳng định rằng, cách phòng thủ của Duy Nghĩa chủ yếu dựa trên kỹ năng di chuyển phòng thủ để bắt bài đối thủ chứ không đơn giản là hạn chế không gian tấn công của đối thủ.
Đồng thời, cùng với lối phòng ngự chủ động đó, hàng tấn công của Duy Nghĩa cũng làm việc rất hiệu quả: Hiệu suất ghi bàn của Duy Nghĩa lại đứng thứ 3 bảng xếp hạng.
Về đội hình chiến thuật, Duy Nghĩa sử dụng sơ đồ 4-2-2-2 trong hầu hết các trận đấu từ lượt đi cho đến bán kết. Anh là người tin rằng, tất cả cầu thủ đều phải có khả năng cầm bóng và tốc độ di chuyển cao kể cả các cầu thủ ở hang phòng ngự. Do đó, thiết lập vai trò tấn công ở mức cao là rất quan trọng để lối chơi trở nên linh hoạt và sắc bén hơn.
Trong danh sách lựa chọn cầu thủ của Duy Nghĩa, có 1 điểm đáng để chúng ta phàn nàn là: Anh chỉ chọn duy nhất một thủ môn là Buffon ’06, điều sẽ khiến anh gặp khá nhiều khó khăn nếu Người nhện sa sút phong độ trong loạt BO5 cân não sắp tới. Liệu rằng tiết kiệm một vị trí thủ môn dự bị để tăng thêm nhân sự thi đấu có giúp anh đưa ra được quyết định chính xác trong trận đấu tới?
Trận chung kết đã đến rất gần.
Bảo Việt