Cô bé đến từ huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Là một trong 2 người có những tác phẩm xinh xắn hiện đang được trưng bày tại triển lãm “Thai Nguyên”, cùng với cô giáo của mình, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thuỳ Trang.
Lê Thu Hà Bình (đứng giữa) và Nguyễn Thuỳ Trang (áo đen) tại khai mạc triển lãm tối 8/11. Ảnh: H.A |
Rời Thủ đô, lên trường học online
Hà Bình, tên thường gọi là Nhím, bắt đầu vẽ từ năm 3 tuổi. Cũng như bất kỳ đứa trẻ nào cùng độ tuổi, Nhím bắt đầu từ những nét nguệch ngoạc. Nhưng dần dà mẹ phát hiện ra cô bé rất thích vẽ. Vậy là cho con theo học ngoại khoá. Trong căn nhà thuê ở Cầu Giấy, tường dán đầy những bức tranh của cô con gái đầu lòng. Mỗi khi khách đến chơi, mẹ Nhím lại giới thiệu những bức vẽ của con với tất cả sự trân trọng. Nhím vẽ nhiều lắm! Những bức tranh từ đơn sơ đến chững chạc của cô con gái đều được người mẹ thu xếp cất lại kỹ càng.
Sở trường vẽ như vậy, nhưng khi đi học Hà Bình lại được một trường tư thục cấp cho suất học bổng 100% duy nhất của khoá lại nhờ "tài năng thơ" với cuốn vở “ghi đầy những dòng chữ có vần”.
Con gái đang học tại một trường tư thục ở Cầu Giấy rất vui vẻ, vợ chồng chị Giang quyết định “làm cuộc cách mạng” đưa cả gia đình về Quảng Bình sinh sống. Hà Bình tiếp tục theo học 2 năm cuối bậc tiểu học ở trường làng. Em có thêm bạn và nhanh chóng thích nghi môi trường mới.
“Con bé có khả năng hoà nhập tốt, nhưng tôi thấy cháu vẫn có điều gì đó không phải chính là mình ở môi trường đó”, chị Linh Giang – mẹ của Bình chia sẻ.
Còn Nhím nói rằng mình và các bạn vẫn chơi đùa thân ái, nhưng mối quan tâm của cô bé và bạn bè có khác nhau. “Trong khi cháu hay nói chuyện tới tương lai, và những chủ đề khác, thì bạn bè vẫn chơi búp bê và những trò chơi cháu không còn chơi nữa”. Điều mà cô bé cảm thấy không thoải mái hơn cả là khi học bài, em thường được cho bài văn mẫu với các gợi ý sẵn có để viết theo. “Cháu không thấy vui và không muốn viết những điều người khác bày sẵn”.
Vào thời gian Bình lên lớp 6, trên mạng có khá nhiều phụ huynh rủ nhau đăng ký “học ở nhà” (homeschooling) theo một chương trình online của Mỹ. Vậy là chị Giang quyết định cho con nghỉ học hẳn trường ở Việt Nam. Người mẹ từng tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế xây dựng của trường ĐH Giao thông vận tải, từng làm kiểm toán ở Hà Nội - nay ở nhà nuôi dạy con - cho biết: “Sau 1 năm theo học, cả gia đình khá hài lòng với lựa chọn hiện tại. Chương trình học nặng, nhưng có cách học khoa học, con được học thật”.
Bình học tiếng Anh từ mẫu giáo ở trường song ngữ, lên 5 tuổi thì có khả năng đọc sách bằng tiếng Anh. “Đến giờ thì cháu thích đọc sách tiếng Anh hơn tiếng Việt”, cô bé thổ lộ.
Ngôi làng Nhím ở có rừng và núi gần nhau, phía sau nhà còn có con suối nhỏ. Đọc sách, chơi nhạc và vẽ vời là những hoạt động hàng ngày của cô bé. Cùng với cậu em trai 4 tuổi, Bình hay đi chơi quanh làng. Hôm nào thời tiết tốt thì đạp xe một vòng qua chợ hay đến thăm ông bà; thi thoảng lại ra đồi cát ở biển, ra con suối phía sau nhà để chơi.
Hai cô trò trong quá trình sáng tạo tác phẩm tương tác có kích thước 6m x 2,5m với tên gọi “Đường Về” được đan dệt từ các sợi tự nhiên kết hợp với công nghệ cảm biến ánh sáng. |
Quyết định cho con học online thay vì đến lớp như thông thường, chị Giang cũng phải thay đổi quan niệm về bạn bè của con rất nhiều, vì một trong những khó khăn của "học tại nhà" là thiếu bạn bè. "Nhưng may mắn cộng đồng mà con đang theo học cũng có đông đảo phụ huynh đồng chí hướng và các học sinh, tạo thành mạng lưới bạn bè mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng trân trọng từng cuộc gặp, từng mối quan hệ vì đó cũng chính là những người bạn tình cờ. Thậm chí, cỏ cây, hoa lá cũng là những người bạn, mang đến cho mình những bất ngờ nếu biết cách trò chuyện và thấu hiểu chúng", chị Linh Giang chia sẻ.
Vẽ như hơi thở
8 năm cầm cọ, việc vẽ như là hơi thở hàng ngày đối với cô bé. Tranh của Bình luôn ẩn chứa những giai điệu đẹp của thiên nhiên với sự uyển chuyển của các gam màu.
“Hồi Nhím 4 tuổi, bức tranh đầu tiên gửi đi tham dự và may mắn đạt giải - gần như là lần duy nhất cho đến nay - là bức một chiếc mũ cắm trên một cành hoa ở trong cái chai, rồi trong cái chai lại có cái chai bé hơn và trong cái chai bé nhất là một cô bé đang cười. Hồi đấy, Nhím đọc cuốn: “Chúc mừng sinh nhật Trăng”. Bạn Gấu tặng cho trăng cái mũ. Đó là một câu chuyện rất đẹp diễn ra trong đêm. Chú gấu chèo thuyền qua sông và mang chiếc mũ tặng cho trăng. Sau này, hình ảnh chiếc thuyền nhẹ lướt đi và người ngồi trên thuyền hướng lên bầu trời đều khiến mình nhớ đến chú gấu mang theo món quà và sự yêu quý của gấu đến với trăng. Cả những ngày thu, mình hay dắt con ra bãi cỏ trong khu chung cư, Nhím hay thổi mấy bông bồ công anh bay theo gió và ngước cổ nhìn theo như gửi gắm những ước muốn gì đó. Giờ mình lại hay thấy nó trong tranh Nhím. Nhím bảo rằng con chẳng có suy nghĩ gì hay ý định gì trước khi vẽ. Con cứ lên màu rồi nó sẽ chỉ cho con bước vẽ tiếp theo. Mình nghĩ Nhím là đưa rất yêu chiều phần tâm hồn của con”, chị Giang nhớ lại.
Một tác phẩm của Hà Bình tại triển lãm |
Những bức tranh của Bình giàu tính thơ, tính nhạc. Nhân vật, hình tượng trong tác phẩm là những con người bay, vắt vẻo trên cây, những hoạt động “không bình thường”.
Nghệ sĩ Thuỳ Trang, người từng hướng dẫn dạy vẽ và sau đó mở chung triển lãm với Bình cho biết: Em đọc rất nhiều sách, sau mỗi bức vẽ thường có nhân vật trong cuốn sách nào đó. Nhìn tranh của Bình, người trong nghề nghĩ ngay đến nghệ sĩ gốc Nga Marc Chagall với những đường nét khá đồng điệu, mơ mộng bay trên những khung trời.
“Khi vẽ, Nhím không sợ sệt gì cả. Theo suy nghĩ thông thường thì sẽ tuần tự từng bước như vẽ chì, nét rồi tô màu. Còn Nhím tô màu bôi màu lung tung, nếu không thích thì lấy màu khác đập lên hoặc lấy màu khác pha lên, chỗ nào không thích thì vẽ đè lên. Nhím rất thoải mái và chân thực cảm xúc của mình chứ không phải mô tả hay sao chép lại hình ảnh đó”.
Khi được hỏi nhận xét hay đánh giá gì về bức tranh của cô học trò nhỏ, Trang nói rằng nguyên tắc dạy vẽ của xưởng nghệ thuật Tí Toáy là không đánh giá bằng điểm số hay nhận xét giỏi, khá, trung bình…
Một tác phẩm của Nguyễn Thuỳ Trang. Từ năm 2012 đến nay, Trang đã thực hiện một số triển lãm nhóm: “Mini-Textile” (2012, Pháp, Ý, Tây Ban Nha). Triển lãm cá nhân: “Carnevale Di Venizia” (2014, Hà Nội), “Làm Tổ” (2015, Hà Nội), trong đó các tác phẩm của chị chú trọng vào việc diễn tả bề mặt chất liệu và tạo hiệu ứng về thị giác, khiến người xem muốn sờ, chạm, khám phá và trải nghiệm. |
Triển lãm của 2 cô trò với 34 tác phẩm sẽ diễn ra đến ngày 17/11 tại Viện Goethe. Từ khi bắt đầu đến lúc hoàn thiện tác phẩm kéo dài 1 năm, nhưng thời gian làm việc trực tiếp với nhau không được nhiều. Trước đây, Bình thường vẽ theo bản năng, nhưng khi làm triển lãm sẽ đối mặt với áp lực về thời gian và "deadline". Qua đó, cô bé sẽ trưởng thành hơn và hiểu rằng, để đi tiếp con đường nghệ thuật, hay thực hiện ước mơ làm kiến trúc sư, hay làm gì đi chăng nữa, thì kỷ luật là yếu tố quan trọng.
Một tác phẩm hoà quyện tính nhạc và thơ của Hà Bình. |
“Thai Nguyên là sự trở về với những giá trị nguyên bản của chúng tôi, ở đây chính là tinh thần “mơ mộng và bay bổng”. Là một nghệ sĩ, tôi mong muốn được chia sẻ và lan tỏa tinh thần này đến với nhiều người, đặc biệt là trẻ em, vì nó là nền tảng cho sự sáng tạo của con người”, Thùy Trang bày tỏ.
Hạ Anh
Môn Mỹ thuật lồng ghép hoạt động thực hành và thảo luận nghệ thuật
Ở Chương trình phổ thông mới, việc dạy học Mỹ thuật sẽ chú trọng rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề thẩm mỹ gắn với những tình huống của cuộc sống.