Mỗi năm, cứ đến đầu năm mới, tháng Giêng, mọi người lại xôn xao “cúng sao giải hạn”. Vậy làm sao để giải hạn? Có cần cúng sao thì mới giải được hạn? Câu hỏi được Thượng tọa Thích Giác Nhường, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM chia sẻ:
Khi nói đến dâng sao giải hạn, ta có thể nói về một góc độ khác, một ý nghĩa khác để phần nào hỗ trợ cho đời sống tu tập và thể hiện sự nỗ lực tự thân (thay vì trông chờ vào tha lực, sự gia hộ), từ đó đưa đến những quả vị giúp giảm bớt khổ đau cũng như khó khăn. Đó chính là việc chúng ta hướng đến sự giải hạn.
Có thể hiểu nôm na về chữ “hạn” là chỉ cho “thời hạn, thời gian đến một lúc nào đó”, hay nói cách khác, đó là “kết quả của một quá trình nhân - quả của nó”. Trong khi đó, “giải” là một sự chuyển hóa, sự làm thay đổi của một quá trình.
Như vậy, từ “nhân” đến “quả” có một quá trình chuyển biến. Và, nếu trong quá trình chuyển biến ấy có sự tham gia nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, sẽ làm thay đổi kết quả. Với quan điểm này, từ “nhân” có thể chưa được thiện lành, nhưng nó có khả năng tiến đến một kết quả khác.
Thường người ta cho rằng, tạo ra “nhân” nào thì sẽ gặt “quả” nấy. Thực ra, khi lỡ gieo nhân chưa được tốt lành, nhưng trong quá trình diễn biến cho đến lúc gần có kết quả thì chúng ta có thể giảm thiểu những duyên bất thiện.
Đức Phật dạy rằng, nếu một ý niệm, một suy nghĩ mang tính thiện lành, thanh tịnh, thì sẽ đưa đến sự an lạc và hạnh phúc sau đó. Ngược lại, những ý niệm bất thiện, những ác bất thiện pháp sinh khởi từ trong ý, sẽ dẫn dắt đến hành vi của chúng ta. Và, một khi đã biểu hiện ra hành vi, chắc chắn sẽ đưa đến những khó khăn, khổ não, phiền muộn đến với chúng ta.
Vì thế cho nên, thường bắt đầu cho một ý niệm, hoặc khởi phát cho một giai đoạn đầu của mọi sự, như đầu năm chẳng hạn, chúng ta hãy nguyện sẽ làm các phước thiện, phải suy nghĩ đến các ý niệm thiện lành, để từ đó ý niệm dẫn dắt hành vi, việc làm của chúng ta được thuận lợi. Từ đó hướng đến sự an lạc, giảm thiểu khổ đau. Như thế chúng ta có thể hiểu rằng, sự “giải hạn” là một quá trình tu tập để gieo các pháp thiện lành, những ý niệm thiện lành, những hành vi thiện lành, góp phần đưa đến một kết quả thiện lành.
Khi chúng ta gieo những ý niệm thiện lành, hành vi thiện lành, có những suy nghĩ thiện lành ấy thì dẫu việc chúng ta đã làm, đã tạo tác “có nhỡ” bất thiện, trong nhân - duyên lộ trình đang hướng đến kết quả, nó sẽ có sự thay đổi. Bởi, nhân ác ấy không đủ duyên để phát triển, sẽ đưa đến kết quả không như ban đầu, đó là chúng ta đang “giải” được kết quả nghiệp ác vốn sẽ theo tiến trình diễn ra ban đầu.
Ví dụ, chúng ta thấy điều đó là bất thiện thì chúng ta sẽ “giải” nó bằng cách làm những việc thiện lành, không tạo thêm duyên ác để nhân bất thiện đó có cơ hội trổ quả như mong muốn của nó. Nghĩa là, chúng ta đã làm giảm đi sự phát triển của các ác bất thiện pháp.
Đó cũng chính là cách mà nhà Phật “giải hạn”, chuyển hóa những pháp bất thiện ấy như một cách tu tập, bằng cách tạo phước, tạo những điều thiện lành. Và, phương diện này thể hiện hai khía cạnh đi đến kết quả, đến “hạn” hay “kỳ hạn”. Thứ nhất, như vừa nói trên, nếu chúng ta làm những điều thiện lành thì sẽ không hỗ trợ cho pháp bất thiện đưa đến kỳ hạn khổ đau. Thứ hai, chúng ta tạo pháp thiện lành là chúng ta tiếp tục hỗ trợ cho pháp thiện lành phát triển thì kỳ hạn đến sẽ mang theo kết quả an lạc, hạnh phúc.
Như Đức Phật dạy, với những ý niệm và suy nghĩ thiện dẫn đến hành vi thiện thì kết quả sẽ luôn an lạc; với ý niệm và hành vi bất thiện, sẽ đưa đến những khổ đau. Trong việc “lỡ lầm” sinh khởi những ác bất thiện pháp, những ý niệm không tốt lành, mà chúng ta vẫn để mặc sự phát triển một cách tự nhiên của “nhân” ấy thì chắc chắn kết quả sẽ khổ.
Còn bây giờ chúng ta cần phải “giải”, tức giải tỏa, chuyển hóa cũng như thay đổi kết quả đó đi, thì ta gọi đó là “giải”. Có nghĩa rằng tham gia bằng những ý niệm thiện lành, thay thế bằng những hành vi thiện lành, thì kết quả và kỳ hạn sẽ được thay đổi, hoặc nó sẽ trổ quả nhưng là quả tốt lành, không như ban đầu là quả của nhân bất thiện, đau khổ ấy không đáng để khởi phát trong đời sống của mình.
Bất kể sự đầu tư nào nhiều hơn ngay từ ban đầu thì kết quả gặt hái cũng sẽ nhiều hơn mong đợi. Ví như mong muốn sự bình yên, an lạc thì chúng ta đầu tư nhiều hơn bằng những ý niệm, hành vi thiện lành… Nhờ đó sẽ làm giảm đi khổ đau và thành tựu hạnh phúc. Đó chính là sự chuyển hóa để mang lại kết quả tốt hơn khi đến kỳ hạn, hay nói cách khác chính là “giải hạn”.
Do vậy, theo tôi, không cần cúng sao để giải hạn mà là hãy sống tốt để chuyển nghiệp!