Tài khoản định danh điện tử là gì?
Bộ Công an dự kiến từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2022, sẽ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên cả nước thông qua cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân.
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội- C06, Bộ Công an) cho biết, về bản chất số định danh điện tử chính là tài khoản trên ứng dụng VNeID.
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục C06, thông tin về cấp tài khoản định danh điện tử |
“Thẻ căn cước công dân để phục vụ cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tiếp (tại các cơ quan, đơn vị xã, phường…) còn tài khoản định danh điện tử để phục vụ công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến”, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh.
Mỗi tài khoản định danh điện tử gồm: tên đăng nhập và mật khẩu đã được Bộ Công an cung cấp, xác thực qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong đó, tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân) chính là dãy số trên căn cước công dân. Tài khoản này được Bộ Công an quản lý và xác thực.
Cũng theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, trong năm 2022 sẽ thực hiện các dịch vụ công bằng phương thức điện tử và thay thế các giấy tờ cá nhân bằng thẻ căn cước công dân gắn chip.
Đã có căn cước gắn chip có phải đi đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an) thông tin, đối với trường hợp công dân đã có căn cước gắn chip, Cục C06 đã tính toán phương án để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.
“Chúng tôi đã lên phương án để thực hiện theo từng giai đoạn, từng mốc thời gian. Trước mắt, sẽ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên cả nước thông qua cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân”, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng chia sẻ.
Căn cước công dân gắn chip đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực |
Một trong những phương án được tính đến đối với các công dân đã có căn cước gắn chip là có thể gửi thông báo về tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua điện thoại.
“Ví dụ thông báo tài khoản định danh điện tử của công dân là như thế này, tuy nhiên bắt buộc công dân phải cài đặt ứng dụng VNeID”, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng cho biết.
Bộ Công an cho rằng, người dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ tiết kiệm thời gian khai báo lại các thông tin cá nhân mỗi khi đi làm thủ tục hành chính; chia sẻ thông tin cá nhân cho bên thứ ba bằng cách quét QR Code; giảm thiểu tối đa các giấy tờ cá nhân cần mang theo; thực hiện các dịch vụ công không phải đến tận nơi. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
Đình Hiếu
Các bước để người dân có tài khoản định danh điện tử
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên phạm vi cả nước. Người dân được cấp tài khoản này có thể thực hiện các thủ tục hành chính công qua mạng.