Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định 106/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đây là Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023 nhằm thay thế Nghị định số 60/2017/NĐ-CP ngày 15/5/2017 của Chính phủ.
Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có vai trò cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 106/2022, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ có tổng cộng 38 đầu mối. Ngoài 5 Ban chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ bao gồm 33 đơn vị khác là các viện nghiên cứu, trung tâm vũ trụ, nhà xuất bản, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao, trường, học viện,...
So với Nghị định số 60/2017, trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ giảm 4 đầu mối so với trước. Trong quá trình chuyển tiếp, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc bảo đảm theo đúng quy định
Cụ thể, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang sẽ tiếp tục hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập vào Viện Hải dương học.
Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường.
Trung tâm Phát triển công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao.
Trọng Đạt