ĐB Phạm Trọng Nhân (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) phân tích cơ chế thí điểm ngắn hạn, còn quy hoạch là dài hạn.
Ông đặt vấn đề, khi ban hành chính sách cơ chế đặc thù, các địa phương đã tính tới sự liên kết với các địa phương lân cận hay chưa. Phải đặt cơ chế đặc thù trong tổng thể nền kinh tế.
ĐB Phạm Trọng Nhân phát biểu từ điểm cầu tỉnh Bình Dương. |
Ông cũng băn khoăn, khi xây dựng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, xác định vai trò Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu kinh tế của miền Trung và Tây nguyên.
Tuy nhiên lần này đề cập đến Thanh Hóa cũng nhấn mạnh địa phương này từng bước khẳng định là tỉnh động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước.
"Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng khu vực miền Trung giữa Thanh Hóa, Đà Nẵng… Các địa phương mới hưởng đặc thù sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược liên kết vùng", ông nêu.
Để tránh những tồn tại dù chủ quan hay khách quan, ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, dự thảo nên kèm theo chương trình hay đề án nhiệm vụ cam kết hiệu quả của nghị quyết, đối ứng với niềm tin gần 500 ĐBQH trao cho các địa phương này.
"Trong khi Quốc hội xem xét đặc thù 1 số tỉnh thành thì cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn là câu chuyện mang tính thảo luận cùng với quy hoạch quốc gia, chưa được định hình", ĐB nói và mong cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng trọng điểm để hồi phục kinh tế là "liều thuốc đủ mạnh cho cơ thể ốm yếu sau cơn bệnh".
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đoàn Đồng Tháp) đồng tình ban hành cơ chế thí điểm cho 4 tỉnh vì đây hướng đi đúng và phù hợp với quan điểm phát triển bền vững.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa |
Theo bà, 6 nhóm chính sách cho từng địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, cũng như 8 nhóm chính sách cho Thanh Hóa thực chất là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù, được xây dựng dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo được nhu cầu của địa phương. Đây là cơ hội để các địa phương đột phá và phát huy được tiềm năng, tạo ra sức lan tỏa và sức kéo trong khu vực.
Đồng tình với ĐB Phạm Trọng Nhân, bà cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương giải trình rõ, khi đề xuất chính sách đặc thù này, đã đặt mình tổng thể mối quan hệ với các tỉnh trong địa bàn và trong vùng kinh tế hay chưa? Đồng thời, đã đặt trong tổng thể quy hoạch và chiến lược phát triển vùng kinh tế cũng như kế hoạch phát triển KT-XH của từng thành phố và địa phương của giai đoạn 2021-2025.
ĐB Tạ Văn Hạ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đoàn Quảng Nam) bày tỏ thống nhất cao về việc QH ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
ĐB Tạ Văn Hạ |
Theo ông nghị quyết cần nghiên cứu bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu để làm cơ sở, căn cứ để giám sát, bởi vì, Quốc hội trao thêm cơ chế đặc thù, phân cấp thêm thì phải có cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết.
Về cơ chế chính sách cụ thể thì cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lợi thế thế mạnh của từng tỉnh để có chính sách phù hợp, để phát huy được cao nhất thế mạnh để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ông nêu ví dụ về tỉnh có lợi thế phát triển rừng, nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế chiến lược về rừng của quốc gia.
Vai trò của rừng không chỉ là vấn đề của địa phương, của tỉnh mà còn là vấn đề của vùng, khu vực, thậm chí của thế giới, ông phân tích nếu Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho địa phương thì sau này kiểm tra, giám sát, tổng kết chiến lược phát triển rừng có đạt được không.
Về tổ chức thực hiện ngoài trách nhiệm của Chính phủ, tỉnh, vị ĐBQH này đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu. Nghị quyết ban hành, ông cho rằng, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ, dám làm.
"Có thêm chế tài, thêm quy định trách nhiệm của người đứng đầu để khẳng định với các tỉnh thành còn lại, đây không phải cơ chế "xin - cho", ĐB Hạ nhấn mạnh.
ĐB Cầm Hà Chung (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ) phân tích, đất nước thống nhất thì hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phải thống nhất, mặc dù mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng khác nhau nhưng có mối quan hệ tương hỗ trong quá trình phát triển.
Nhiều địa phương mong muốn cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH. Nhiều địa phương có nghị quyết của Trung ương, nằm trong vùng trọng điểm, cơ chế an ninh quốc phòng như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam.
Ông cho rằng, việc giải quyết "mong muốn" của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn ĐBQH và lãnh đạo các địa phương chưa được hoặc không được cơ chế đặc thù.
ĐB phân tích, điều này dễ gây hiểu lầm trong cử tri và nhân dân vì sao địa phương kia có nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này thí điểm, vì sao địa phương kia có chính sách riêng trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân, cán bộ là như nhau.
“Có đặc quyền đặc lợi ở đây không, có con đẻ con nuôi không, có không công bằng không”, ông nói, đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải trình rõ ràng, minh bạch, tạo thống nhất, đồng thuận với nhân dân.
Trần Thường
Quốc hội bàn cơ chế đặc thù phát triển mạnh mẽ 4 tỉnh, thành
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, xây dựng cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế giúp các tỉnh thành này có lực phát triển mới hơn.