Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu “Bộ Tài Nguyên và Môi trường Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trong tháng 9 năm 2021 về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Thế nhưng, theo phản ánh của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, dù Nghị quyết yêu cầu các Bộ báo cáo Chính phủ trong tháng 9/2021, nhưng tới nay, Chính phủ vẫn chưa ra quyết định cuối cùng cho vấn đề này.
Nhiều DN khai thác khoáng sản gặp khó vì Covid-19. Ảnh minh họa: Báo Khánh hòa |
Hiệp hội DN địa chất và khoáng sản Việt Nam, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 24/11, cho biết: Đến nay, việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn chưa có văn bản hướng dẫn được ban hành để các cơ quan, DN có căn cứ thực hiện. Do đó, các DN không được biết việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác sẽ chỉ áp dụng cho khoản tiền phát sinh trong năm 2021 hay cho đến khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi và thời gian gia hạn là bao nhiêu lâu".
Việc không xác định được chính xác đối tượng và thời gian áp dụng việc gia hạn đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chủ động xây dựng kế hoạch tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo.
Mặt khác, do chưa có quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu, thúc giục nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm 2021 đúng thời hạn theo quy định (31/10/2021), tạo áp lực lớn về tài chính cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phản ánh, trong giai đoạn khó khăn này, việc phải nộp ngay số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trên trong khi doanh thu không có hoặc giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến việc một số DN phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến nguồn thu các địa phương và sự phát triển của ngành. Hàng ngàn lao động của các DN đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Việc giãn cách xã hội và hàng loạt biện pháp khác theo yêu cầu của các Chỉ thị khiến doanh nghiệp không có đầu ra, dẫn đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp gần như không có hoặc giảm sút nghiêm trọng, mặc dù vậy doanh nghiệp vẫn duy trì tối đa có thể lực lượng lao động và bảo đảm thu nhập cho họ.
Những khó khăn trên khiến các DN khai thác, chế biến khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, trong đó có nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Khác với các loại thuế, phí khác nộp theo chi phí hàng năm phát sinh, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải hoàn thành sớm trong thời hạn nửa đầu thời hạn cấp phép, do đó số tiền phải nộp hàng năm đã là chi phí lớn, tạo áp lực tài chính nhất định.
Đây là cũng là bất cập, vốn trước đây đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khó khăn lại tăng lên gấp bội.
Vì thế, Hiệp hội DN Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các cơ quan báo cáo Chính phủ về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang khai thác khoáng sản như yêu cầu của Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN khai thác, chế biến khoáng sản đã, đang và thậm chí sẽ bị ảnh hưởng trong một số năm tới bởi đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, đại diện một DN băn khoăn: Nếu việc gia hạn này thực hiện cho khoản phải nộp phát sinh trong năm 2021 thì nay đã quá thời hạn nộp tiền (31/10/2021) nhưng Chính phủ vẫn chưa có Nghị quyết chính thức. Trong khi các cơ quan thuế địa phương vẫn đang thúc giục việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tạo áp lực lớn về tài chính cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Các doanh nghiệp cũng lo ngại việc xác định các điều kiện, trường hợp Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp được gia hạn nếu chung chung, chưa cụ thể chi tiết cho từng đối tượng thì sẽ khó áp dụng, có thể gây tranh cãi do cách hiểu khác nhau giữa DN và cơ quan thuế địa phương.
“Số tiền gia hạn có phụ thuộc vào thiệt hại vật chất thực tế của DN hay không?. Việc chứng minh thiệt hại vật chất như thế nào trong khi thiệt hại lớn nhất của DN là các thiệt hại gián tiếp như doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch. Các con số này là rất lớn, nhưng nếu phải chứng minh để được gia hạn nộp thuế thì sẽ khó do thiếu tính thực tiễn và dễ dẫn đến bất đồng quan điểm giữa DN và cơ quan quản lý thu NSNN”, đại diện DN khai thác khoáng sản lo lắng.
H.Duy
Khai thác vượt giấy phép, một công ty bị tỉnh Thái Nguyên xử phạt kỷ lục
Tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định xử phạt Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV số tiền 1,2 tỷ đồng do khai thác vượt phép. Đây là số tiền phạt kỷ lục đối với hành vi này.