Sáng 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, trong đó có Luật Đất đai.
Không làm cản trở sự phát triển, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, một trong nhưng nội dung đáng chú ý là luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất nhằm giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Ngoài ra, luật mới cũng có nhiều quy định hoàn thiện các quy định về chính sách tài chính về đất đai như: Bổ sung, hoàn thiện quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định về 104 nội dung Luật giao.
Quá trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số nội dung.
Chẳng hạn như quy định về phân loại đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; thủ tục hành chính về đất đai giá đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đề xuất phương án thay đổi cách thức phân loại đất phù hợp với điều kiện và phương thức quản lý Nhà nước trong điều kiện mới, xây dựng lộ trình thực hiện, coi đây là một trong những nội dung đột phá của giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất thực sự cần thiết để xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu tại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch đô thị để không gây mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch.
Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc rà soát cần quan tâm bảo đảm tính khả thi, không làm phát sinh các chỉ tiêu sử dụng đất không hợp lý, thiếu linh hoạt, không phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cản trở sự phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.
Cùng với đó là hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông để trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng đất đai.
Đồng thời, hướng dẫn chuyển tiếp đối với các nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ hoặc Luật giao Chính phủ theo đúng nguyên tắc không hợp thức hóa các sai phạm, không quy định nội dung mang tính xử lý, giải quyết cho những trường hợp cá biệt.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 và 8 luật được sửa đổi, bổ sung.
Ban hành văn bản hướng dẫn trong tháng 5
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Trong đó có công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Bộ Tài nguyên & Môi trường đã chủ động xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng ban hành kế hoạch triển khai thi hành. Bộ được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 nghị định và 4 thông tư; Bộ Tài chính được phân công chủ trì soạn thảo 3 văn bản gồm 2 nghị định và 1 thông tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công chủ trì soạn thảo 1 nghị định; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được phân công chủ trì soạn thảo 1 quyết định của Thủ tướng và Bộ Nội vụ được phân công chủ trì soạn thảo 1 thông tư.
Các cơ quan đang khẩn trương xây dựng theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 5/2024.