Bà tin rằng nam diễn viên 43 tuổi này đã yêu bà và bà sẵn sàng bỏ gia đình để đi theo anh ta.
Nhưng có một vấn đề mà bà không biết, đó là bà đang tương tác với anh chàng Jin Dong giả.
Câu chuyện về người phụ nữ có tên là Huang Yue được lan truyền trên khắp cộng đồng mạng Trung Quốc hồi đầu tháng này. Trong suốt nhiều tháng, bà Huang đã xem các video của Jin trên Douyin và tin rằng nam diễn viên đã gửi trực tiếp những video này cho mình.
“Tại sao anh lại nói dối tôi? Thật không thể tin được” - bà Huang nói trên một chương trình truyền hình. “Cả nước đều biết. Ai dùng Douyin cũng biết rằng anh ấy yêu tôi”.
Douyin là một ứng dụng đăng tải các video ngắn phổ biến ở Trung Quốc - nơi hàng trăm triệu người lướt qua một hàng dài bất tận video mỗi ngày.
Một phụ nữ sử dụng điện thoại di động sau hàng rào thép gai ở lối vào một khu dân cư ở Vũ Hán – tâm chấn của đợt bùng phát đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters |
Câu chuyện của bà Huang cho thấy, người dùng các ứng dụng này không chỉ là những người trẻ am hiểu công nghệ. Ứng dụng này cũng đang rất thu hút một bộ phận người già Trung Quốc, mở ra cơ hội cho những kẻ lừa đảo, và phổ biến nhất hiện nay là đối tượng mạo danh những người nổi tiếng.
Những video giả mạo Jin Dong này chỉ là một trong số rất nhiều video giả mạo người nổi tiếng do người dùng ứng dụng Douyin tạo ra để thu hút những người hâm mộ cao tuổi và lôi kéo họ mua sản phẩm hoặc tham gia các chương trình đầu tư.
Các video được thực hiện bằng cách sử dụng cảnh quay người nổi tiếng, sau đó được lồng tiếng bằng những đoạn tán tỉnh ngọt ngào do máy tính tạo ra. Chúng cũng đi kèm với đoạn văn bản và hình nền đầy màu sắc, gây hấp dẫn những người dùng lớn tuổi.
Những video này có thể dễ dàng bị người xem bình thường phát hiện ra là giả mạo vì sự chỉnh sửa thô thiển, kém tinh vi của chúng, nhưng lại đánh lừa được nhiều người dùng Internet lớn tuổi đang dành nhiều thời gian lướt mạng.
“Chị ơi, em đã nhắn tin cho chị. Tại sao chị không trả lời?” - chàng Jin Dong giả nói trong một video quay cận cảnh, mặc dù giọng nói do máy tính tạo ra không hề khớp với chuyển động môi của anh ta trong video. “Chị đã xóa em chưa?”.
“Chị ơi, em nhớ chị. Chị có nhớ em không? Chị có thể click vào video và để em nhìn chị được không” - một giọng nói tương tự trong một video khác lên tiếng.
Những phụ nữ lớn tuổi tương tác với thần tượng giả Jin Dong, một ngôi sao truyền hình 43 tuổi. |
Đôi khi những video này lại là lối thoát cho một số phụ nữ. Một phụ nữ 49 tuổi sống ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Tứ Xuyên - người thường xuyên xem các video của chàng Jin Dong giả - chia sẻ rằng cô đang bị chồng lạm dụng.
Bà mẹ 2 con này mới chuyển tới Thượng Hải làm việc và từ chối cho biết tên thật. Cô kể bị chồng đánh đập, mắng mỏ và lừa dối cô suốt hàng chục năm.
Cô cũng khoe được nhiều người theo đuổi trên ứng dụng Douyin, nhưng cô chỉ quan hệ với Jin. Cô xem các video của anh mỗi ngày và gọi anh là “người chồng bé nhỏ”. “Tôi không phải là người duy nhất” - cô nói.
Cô cũng không chia sẻ về việc cô có tin mình đang nói chuyện với Jin Dong thật hay không thậm chí khi đã được hỏi đi hỏi lại, nhưng cuối cùng cô mất liên lạc với tài khoản này.
“Jin Dong đã thoát ra khỏi ứng dụng Douyin tối nay. Tôi không biết tại sao. Anh ấy là một ngôi sao lớn, còn tôi chỉ là một người bình thường”.
Khi được hỏi về những tài khoản giả mạo người nổi tiếng, ByteDance đã chỉ vào một tuyên bố mà công ty này đã công bố trên mạng. Tuyên bố cho biết đã cấm vĩnh viễn 5.000 tài khoản như vậy trong tháng 9 năm nay.
“Những tài khoản giả mạo này lừa người ta theo dõi và nhấp chuột, sau đó chúng kiếm lợi nhuận từ thương mại điện tử và các mẹo phát sóng trực tiếp. Một số tài khoản thậm chí còn dẫn người dùng tới các nền tảng khác để thực hiện các trò gian lận tài chính”.
Một mặt khác của vấn đề là bộ phận dân số già của Trung Quốc thích nghi nhanh với mạng xã hội, nhưng cũng có một số dễ dàng bị lừa đảo.
Câu chuyện của người phụ nữ tên Huang Yue (tên giả) lan truyền khắp cộng đồng mạng. |
Một nghiên cứu của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Tencent vào năm 2018 cho thấy, 67,3% người dùng Internet từ 50 tuổi trở lên từng bị lừa đảo trên mạng hoặc nghi ngờ rằng họ từng bị lừa đảo. Các hình thức lừa đảo phổ biến gồm có: lừa đảo tài chính, làm sai lệch thông tin và quảng cáo sai sự thật.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này, đó là sự cô đơn của người già Trung Quốc. Một số người già thiếu tương tác xã hội và nhu cầu cảm xúc chưa được đáp ứng khiến họ tìm tới tương tác online, ông Zhansheng Chen, phó giáo sư tâm lý của ĐH Hồng Kông nhận định. Nhận được sự quan tâm đặc biệt của ai đó trên mạng có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ ở một số người, ông nói.
“Loại tương tác này có thể rất mạnh mẽ với họ”.
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), tính tới tháng 6, có 22,8% người dùng Internet ở nước này trên 50 tuổi. Con số này là 16,9% vào tháng 3 và là 13,6% vào tháng 6 năm ngoái.
Được biết, bà Huang ở Giang Tây đã chuyển từ điện thoại “cục gạch” sang điện thoại thông minh vào đầu năm nay. Đó cũng là lúc bà bắt đầu dành nhiều thời gian cho Douyin, "từ sáng đến tối, hầu như không ăn gì" - chồng bà cho biết trên chương trình tin tức.
Bà nói bà đã yêu nam diễn viên này. Khi chồng bà cố giải thích rằng đó không phải là Jin Dong thật, bà đã liên tục cáu kỉnh và ném đồ vào người ông. Bà cũng chi nhiều tiền để mua các sản phẩm được mời chào bởi tài khoản giả mạo này. Thậm chí, bà còn một mình đi tới thành phố khác để tìm anh ta.
Giống như bà Huang và người phụ nữ tới từ tỉnh Tứ Xuyên, nhiều người đã bị thu hút bởi những video tương tự. Hồi tháng 6, một cụ bà khoảng trên 80 tuổi, sống một mình cũng phải lòng anh chàng Jin Dong giả trên ứng dụng Douyin, thông tin từ tờ Tuổi trẻ Bắc Kinh cho hay.
Cụ bà này đã bay từ Thượng Hải tới Bắc Kinh để tìm nam diễn viên vì tin rằng anh ta đã theo dõi bà trên ứng dụng, tương tác với bà ở phần bình luận.
Bà Fenghua, 66 tuổi dùng điều khiển tivi để trò chuyện qua video. Ảnh: Reuters |
Ông Fang Kecheng - trợ lý giáo sư báo chí ở ĐH Hồng Kông, người chuyên nghiên cứu về cách mà các nền tảng và thuật toán ảnh hưởng đến môi trường thông tin, cho rằng: thuật toán giúp những video giả mạo này trở nên phổ biến, nhưng việc bị lừa không phải lỗi do thuật toán. Vấn đề thực sự là những kẻ lừa đảo đang khai thác các thuật toán để tạo ra những video thu hút người dùng nữ lớn tuổi, ông nói.
“Các thuật toán đóng vai trò giúp kẻ lừa đảo tìm ra nạn nhân”.
Theo ông Dong Jing, phó giáo sư ở Viện Tự động hóa thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho rằng, các nền tảng đang sử dụng công nghệ để cố gắng phát hiện video giả, nhưng vẫn cần sức lao động của con người để loại bỏ chính xác những trò gian lận này.
Tuy nhiên, các nền tảng có thể không có động cơ để đầu tư nguồn lực vào việc xóa những video như vậy vì chúng không bị quản lý chặt chẽ như các nội dung khiêu dâm hay bạo lực.
“Tôi nghĩ đây là một vấn đề xã hội” - ông Dong nói về việc những phụ nữ lớn tuổi dễ bị lừa bởi các video giả mạo. “Và rất khó để giải quyết một vấn đề xã hội chỉ bằng giải pháp công nghệ”.
Trên các nền tảng truyền thông xã hội, nhiều người đã đặt câu hỏi: Làm thế nào để giúp người già tránh bị lừa khi online? Một số ý kiến cho rằng các nền tảng nên đưa ra một số biện pháp chống nghiện cho người cao tuổi, giống như các biện pháp đã được áp dụng cho trẻ em vị thành niên.
Theo một báo cáo của Bộ Công an vào năm 2018, có 30% người dùng Internet cao tuổi đang dành nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày để online, gần 10% dành 6 giờ mỗi ngày cho việc này.
Nhưng một số người lại cho rằng điều này cũng không gây hại gì nếu nó giúp người già cảm thấy bớt cô đơn.
“Từ lâu, tôi đã mất động lực sống” - người phụ nữ tới từ Tứ Xuyên cho biết. “Nhờ có Douyin, tôi mới thấy hạnh phúc trở lại”.
Phụ nữ có học vấn cao ở Trung Quốc khổ sở vì ở nhà nội trợ
Nhiều phụ nữ có học vấn cao tại Trung Quốc quay về làm nội trợ, vun vén gia đình. Không ít người hối hận vì vất vả, không được coi trọng và thiếu sự cảm thông từ người thân.
Đăng Dương (Theo SCMP)