Nguồn cơn vụ tranh chấp nhãn hiệu kem Celano và Merino

Sáng 24/1, Công ty cổ phần tập đoàn KIDO (KIDO; HoSE: KDC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024. 

Tại đại hội, bên cạnh báo cáo sơ bộ tình hình hoạt động kinh doanh năm qua, KIDO xin ý kiến cổ đông về giao dịch bán cổ phần tại Công ty cổ phần thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF) và vấn đề bảo vệ thương hiệu kem Celano, Merino. 

Về việc bán cổ phần tại KDF, năm 2023, KIDO đã thực hiện bán 24,03%, giảm tỷ lệ sở hữu từ 73% xuống còn 49%. Thương vụ này mang về cho KIDO 1.069 tỷ đồng và KDF từ công ty con trở thành công ty liên kết của tập đoàn. 

Đến tháng 9/2024, Nutifood cho biết đã hoàn tất mua lại 51% cổ phần, trở thành đơn vị kiểm soát KDF. 

W-kido 1.JPG.jpg
 Bảo vệ nhãn hiệu kem Celano và kem Merino là 1 trong những vấn đề quan trọng được KIDO lấy ý kiến cổ đông. Ảnh: Anh Phương

Về KDF, doanh nghiệp này được hình thành từ năm 2003 sau khi KIDO mua lại thương hiệu kem Wall’s. Giai đoạn 2004-2005, KDF lần lượt cho ra mắt hai nhãn hiệu kem Celano và Merino. Đây là hai sản phẩm chủ lực của KDF cho đến khi doanh nghiệp này bị bán đi. 

Tháng 6/2022, KDF đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu kem Celano và hơn 30 nhãn hiệu khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp này cho KIDO. Cuối năm 2023, KDF tiếp tục chuyển nhượng nhãn hiệu kem Merino sang cho KIDO. 

Tuy vậy, thời gian gần đây, KDF vẫn quảng bá nhãn hiệu kem Celano mà không được sự đồng thuận của KIDO. Trong đó, phải kể đến việc quảng cáo kem Celano trong chương trình ca nhạc, giải trí như “Anh Trai Say Hi” và “2 Ngày 1 Đêm” của Công ty cổ phần Dat Viet Media sản xuất. 

Do đó, KIDO đã khởi kiện KDF ra toà. Mới đây, TAND TPHCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm KDF và Dat Viet Media quảng cáo, quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu kem Celano. 

Cổ đông phản đối thương vụ nghìn tỷ

Trở lại thương vụ bán hơn 24% cổ phần KDF, ban kiểm soát KIDO cho rằng đây là giao dịch trọng yếu và KDF đang sử dụng các nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của tập đoàn nên cần cổ đông cho xem xét, cho ý kiến. 

Nói với cổ đông, ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT KIDO cho biết, trong những thương vụ M&A, có sự khác biệt khi mua doanh nghiệp và mua thương hiệu. Khi KDF chuyển từ công ty con thành công ty liên kết của tập đoàn đã xuất hiệu sự không rõ ràng trong việc sở hữu các nhãn hiệu. 

W-kido 2.JPG.jpg
Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT KIDO. Ảnh: Anh Phương

Tại đại hội, đại diện quỹ đầu tư Star Pacifica (Singapore) đang sở hữu 7,1% cổ phần KIDO, thị giá tương đương 1.120 tỷ đồng, cho biết quyết định bán hơn 24% cổ phần KDF thuộc thẩm quyền HĐQT KIDO. Tuy nhiên, vị này không đồng tình với giao dịch vì nó đã và đang ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều cổ đông, trong đó có Star Pacifica. 

“Tôi tin rằng KIDO sẽ vận hành ngành hàng kem hiệu quả hơn bất kỳ doanh nghiệp nào để mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Đề nghị HĐQT lên phương án xử lý giao dịch này để đảm bảo quyến lợi cho cổ đồng”, đại diện quỹ đầu tư Star Pacifica nói. 

Đồng quan điểm, đại diện quỹ đầu tư Vina QSR Limited đang sở hữu 2,6 triệu cổ phiếu KIDO cho hay, trước khi đầu tư vào tập đoàn, quỹ tin tưởng về cách KIDO vận hành các ngành hàng, trong đó 2 nhãn hiệu kem Celano và Merino dẫn đầu thị trường. 

Với việc KIDO bán cổ phần KDF mà không lấy ý kiến cổ đông, đại diện Vina QSR Limited cho rằng quyền lợi của quỹ và các cổ đông đang bị ảnh hưởng. Vị này không đồng tình với giao dịch, đề nghị HĐQT KIDO và cổ đông biểu quyết công khai về vấn đề này. 

Tại phần biểu quyết, hơn 89% cổ đông tham dự đại hội không tán thành giao dịch bán hơn 24% cổ phần KDF. Đồng thời, cổ đông tán thành giữ quyền sở hữu tại KDF nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu, quyền sử dụng hoặc uỷ quyền cho bên thứ 3 và công ty con sử dụng. 

Ngoài ra, cổ đông KIDO cũng thông qua việc HĐQT, tổng giám đốc được uỷ quyền quyết định các điều khoản cụ thể và ký kết, thực hiện các giao dịch liên quan, các hợp đồng, thoả thuận, tài liệu liên quan đến các giao dịch nhãn hiệu Celano và Merino.